5 bệnh do phế cầu có thể phòng ngừa nhờ vaccine

2023-08-03 10:21:50

Phế cầu gây bệnh viêm phổi, viêm màng não và viêm tai giữa, dễ trở nặng ở người cao tuổi và trẻ em nên cần tiêm vaccine phòng ngừa.

BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết phế cầu sinh sống ở hầu họng của người bệnh và người khỏe mạnh, lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp và có thể xâm lấn vào các cơ quan như phổi, não. Nhóm người dưới 5 tuổi và người lớn tuổi, mắc bệnh nền có nguy cơ trở nặng cao, được khuyến cáo tiêm vaccine để phòng 5 bệnh do phế cầu gây ra.

Viêm phổi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 thống kê toàn cầu có khoảng 8,9 triệu ca bệnh viêm phổi do phế cầu. Trong đó, 257.000 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo BS Chính, Việt Nam là một trong 15 quốc gia trên toàn thế giới có gánh nặng lớn về viêm phổi do phế cầu. Người già và trẻ nhỏ bị viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50% do phổi bị tàn phá gây suy hô hấp.

Đối với người lớn mắc bệnh nền, miễn dịch yếu, viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ trở nặng cao, dễ biến chứng như hội chứng suy hô hấp cấp tính, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm phổi hoại tử và nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ mắc, trở nặng viêm phổi do phế cầu cũng tăng lên theo tuổi tác.


Vaccine bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh do phế cầu gây ra. Ảnh: Healthworld

Vaccine bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh do phế cầu gây ra.

Viêm màng não

Vi khuẩn phế cầu thường xâm nhập và gây viêm màng não từ các ổ viêm tai, viêm xương chũm, viêm xương sọ, viêm xoang, viêm hốc mắt, viêm cơ dọc theo cột sống. Trẻ em là nhóm nguy cơ cao nhất mắc bệnh này với 83% ca mắc xảy ra ở nhóm dưới 2 tuổi. Tại Việt Nam, thống kê giai đoạn 1999 đến 2003, cứ 100.000 trẻ thì sẽ có 37 trẻ dưới 2 tuổi mắc viêm màng não do phế cầu.

Triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc viêm màng não do phế cầu gồm: khóc đêm thường xuyên và bỏ bú kéo dài, sốt cao, tiêu chảy, nôn ói... Đây là các triệu chứng không điển hình, gây nhầm lẫn với bệnh về tiêu hóa nên thường được phát hiện muộn.

Bệnh tiến triển rất nhanh, dẫn đến hôn mê chỉ trong 48 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 30-50% trẻ phải chịu các di chứng nghiêm trọng sau khi khỏi bệnh như: điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...

Nhiễm trùng huyết

Nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch dễ mắc nhiễm trùng huyết do phế cầu. Vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào máu gây sốt, rét run, đau đầu, lơ mơ, có thể sốc nhiễm khuẩn gây tử vong.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết phế cầu lên đến 20%. Thống kê ở Mỹ trên nhóm đối tượng trên 50 tuổi, hàng năm có khoảng 7.000 ca nhiễm trùng huyết, tỷ lệ mắc chỉ đứng sau viêm phổi phế cầu.

Viêm tai giữa

Mỗi năm thế giới ghi nhận 5 đến 7 triệu ca viêm tai giữa do phế cầu. Trẻ dưới 1 tuổi mắc viêm tai giữa do phế cầu thường nhiễm trùng nhiều lần trong năm, một số ca phải phẫu thuật khi tình trạng diễn biến xấu. Trẻ mắc viêm tai giữa nhiều lần không được điều trị dứt điểm có thể biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm xương chũm, viêm màng não...

Viêm xoang

Phế cầu cũng có thể dẫn đến viêm xoang. Triệu chứng điển hình gồm đau mặt, nghẹt mũi, chảy nước mũi màu vàng/xanh, đau đầu, dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường. Bệnh thường phát hiện muộn, trở nặng thành mạn tính và biến chứng nhiễm trùng ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não, viêm màng não.

BS Chính khuyến cáo người dân chú ý các biện pháp phòng lây nhiễm phế cầu khuẩn như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục để tăng đề kháng và tiêm vaccine.

Trong đó, vaccine được coi là biện pháp cơ bản để phòng bệnh, hạn chế lây nhiễm phế cầu từ người lành mang trùng ra cộng đồng và giảm thiểu khả năng diễn tiến nặng khi nhiễm. Hiện Việt Nam có 2 loại vaccine phế cầu, gồm vaccine Synflorix (Bỉ) ngừa 10 chủng phế cầu tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và vaccine Prevenar 13 (Mỹ) ngừa 13 chủng phế cầu, tiêm cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn.

Bài viết liên quan