Đô thị hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

2022-12-07 15:02:36

Xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, giàu năng lượng, lối sống lười vận động... kéo theo sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam cứ 100 người tử vong có khoảng 33 người tử vong do nguyên nhân liên quan đến tim mạch. Tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Các chuyên gia nhận định, quá trình đô thị hóa là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này.

ThS.BS Trần Quốc Việt cho biết, trước năm 1900, trên thế giới tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở mức dưới 10% nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên con số này tăng nhanh và đạt 33% vào đầu thế kỷ 21. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Vấn đề đô thị hóa có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao trên thế giới. Một phân tích được công bố trên Tạp chí PlosOne của Ấn Độ trên 6.166 (tuổi trung bình là 42 tuổi; 58% là nữ), cho thấy những người sống ở khu vực thành thị có tốc độ sóng xung động mạch cảnh - đùi cao so với những người không sống ở thành thị, sau khi đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác. Mối liên quan này thể hiện rõ hơn ở những người lớn tuổi tham gia nghiên cứu, có tiền sử hút thuốc và có yếu tố nguy cơ tim mạch. Trong khi độ cứng của động mạch chủ được đo bằng vận tốc sóng xung động mạch cảnh - đùi. Đây là một yếu tố dự báo bệnh tim mạch.


Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Ảnh: Freepik

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. 

Theo bác sĩ Việt, gánh nặng bệnh tim mạch gồm cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ, là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch giảm trong ba thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ này không thay đổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong cùng thời kỳ. Sự phân bố các yếu tố nguy cơ chính của các bệnh tim mạch khác nhau giữa các khu vực toàn cầu, các quốc gia và thậm chí trong một quốc gia. Những khác biệt này được cho là do sự khác biệt về địa lý, cụ thể là đối với quá trình đô thị hóa.

"Lối sống đô thị dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng. Cụ thể, đô thị hóa khiến mọi người có thói quen ăn uống ít lành mạnh hơn, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động thể dục thể thao... Trong cuộc sống đô thị hóa, mọi người tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, giàu năng lượng nhiều hơn trước; tính chất công việc khiến mọi người ngồi một chỗ nhiều, máy móc làm thay con người nhiều việc nên cường độ vận động giảm rõ rệt", bác sĩ Việt cho biết.

Bác sĩ Việt cũng cho biết thêm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp như ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia...

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trước dòng chảy đô thị hóa, bác sĩ Việt khuyên những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nên tầm soát định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

"Mọi người nên tránh xa khói thuốc lá, bỏ hoàn toàn nếu đang hút thuốc; dành khoảng 30 phút mỗi ngày hoạt động thể chất như đi bộ, yoga, làm vườn, đạp xe; chế độ ăn ưu tiên chất xơ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; tránh chất béo bão hòa, chất oxy hóa và các món ăn có quá nhiều cholesterol", bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Bài viết liên quan