2021-04-18 15:30:20
Dị tật ống thần kinh thai nhi là những khiếm khuyết xảy ra khi não và cột sống của thai nhi phát triển không bình thường. Tỉ lệ trẻ bị dị tật ống thần kinh xảy ra cao ở những nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.
Dị tật ống thần kinh ở thai nhi là gì?
Ống thần kinh thai nhi là nền tảng cốt lõi để phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này, gồm bộ não, hộp sọ, tủy sống và xương sống. Ống thần kinh phát triển từ rất sớm, vào tuần thứ 3 của thai kỳ. Bắt đầu từ ngày thứ 18 của thai kỳ, ống thần kinh sẽ khép dần lại, cho đến ngày thứ 28 của thai kỳ thì ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn.
Và nếu hiện tượng này không xảy ra đúng thời điểm này thì ống thần kinh sẽ không được đóng gập lại và gây ra hiện tượng dị tật ống thần kinh dẫn đến hậu quả khiếm khuyết não và cột sống ở thai nhi trong sự phát triển về sau.
Các loại dị tật ống thần kinh thường gặp ở thai nhi
Tật nứt đốt sống (tật cột sống chẻ đôi)
Tật nứt đốt sống xảy ra khi phần ống thần kinh tạo thành cột sống và tuỷ sống không được đóng lại hoàn chỉnh gây nên tổn thương cho tuỷ sống bên trong.
Trẻ mắc dị tật này thường dẫn đến các biến chứng như:
– Liệt phần thân dưới khó khăn trong việc vận động, hoặc thậm chí không vận động được
– Tiêu tiểu khó khăn
– Gặp phải các vấn đề liên quan đến tăng áp lực trong sọ, não úng thuỷ
– Nếu bị nứt đốt sống quá nặng có thể dẫn đến tử vong
Tật nứt đốt sống
Thai vô não – Thai vô sọ
Đây là loại dị tật ống thần kinh nghiêm trọng nhất, phần não bị dị dạng nghiêm trọng và không có hộp sọ. Trường hợp bị thai vô não sẽ chết lưu ngay từ trong bụng mẹ hoặc chết ngay sau khi sinh.
Thai vô não
Thoát vị não, màng não
Loại dị tật này chiếm khoảng 10% trong các dị tật của ống thần kinh. Thoát vị não xảy ra khi khuyết một phần xương sọ (thường ở vùng chẩm) dẫn đến thoát vị chứa dịch hoặc tổ chức não, phần não bị lộ ra ngoài xương sọ và chỉ được da bao bọc.
Thai nhi bị thoát vị não có tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm khoảng 40%, 80% có thể sống nếu được điều trị đúng cách tuy nhiên sẽ bị khuyết tật nặng nề về tâm thần, thiểu năng tinh thần – thần kinh.
Nguyên nhân gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi
Thiếu acid folic
Ống thần kinh cần được cung cấp một hàm lượng Acid Folic cần thiết vừa đủ để phát triển hoàn thiện, tức khép kín hoàn toàn. Nếu như cơ thể người mẹ không có đủ Acid Folic để cung cấp cho bào thai, ống thần kinh sẽ không khép kín, và sẽ gây ra các dị tật với các biểu hiện: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, não úng thủy, nứt đốt sống…, thậm chí gây tử vong.
Các nghiên cứu y học đã chứng minh: cơ thể người mẹ thiếu hụt Acid Folic ngay tại thời điểm thụ thai sẽ làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi
Vì ống thần kinh phát triển từ rất sớm, khi đó, bản thân người mẹ còn chưa biết mình đã mang thai. Phụ nữ cần bổ sung Acid Folic đầy đủ ngay từ khi dự định mang thai, để bảo đảm nồng độ Acid Folic trong máu đạt đến mức cần thiết ngay tại thời điểm thụ thai.
Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic khi mang thai bằng các loại thực phẩm
Bất thường nhiễm sắc thể
Các vấn đề về bất thường nhiễm sắc thể cũng chính là nguyên nhân gây nên vấn đề liên quan đến dị tật ống thần kinh.
Do gen và môi trường
Nguy cơ sinh con bị dị tật cao hơn ở những bà mẹ sống ở môi trường ô nhiễm hoặc có lỗi sống không lành mạnh trong thời kỳ mang thai như hút thuốc, tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, làm việc tiếp xúc với nhiệt độ cao…
Do bệnh lý và việc sử dụng thuốc ở mẹ
Dị tật ống thần kinh sẽ có khả năng xảy ra cao hơn ở những bà mẹ mắc bệnh lý như:
– Đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh
– Mẹ bị dị tật ống thần kinh
– Mẹ bị đái tháo đường phải phụ thuộc Insulin, kiểm soát đường huyết kém
– Mẹ bị động kinh và phải trị bằng thuốc valproic hoặc carbamazepine.
Phương pháp giúp phát hiện dị tật ống thần kinh ở thai nhi
Xét nghiệm
Vào thời điểm mang thai được 16 tuần, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm nồng độ chất AFP có trong máu mẹ từ đó đánh giá nguy cơ bị dị tật hở của ống thần kinh hoặc thành bụng ở thai nhi.
Khi thai được 16 tuần, chất AFP do thai nhi sản xuất đã đi vào trong máu mẹ, bình thường tất cả các sản phụ đều có một ít AFP trong máu.
Nếu kết quả xét nghiệm thấy nhiều AFP từ thai nhi đi vào máu mẹ thì khả năng cao thai nhi đã bị mắc dị tật hở của ống thần kinh hoặc thành bụng.
Còn nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có sự gia tăng nồng độ AFP sẽ đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật hở của ống thần kinh hoặc thành bụng.
Thời điểm siêu âm lần đầu tiên sẽ được thực hiện ở tuần thứ 8-14, siêu âm để xác định các vấn đề về cột sống của thai nhi có liên quan đến tật nứt cột sống hay có các dị tật cột sống hay không.
Siêu âm và xét nghiệm định kỳ là phương pháp giúp phát hiện dị tật thai nhi
Cách ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi mẹ bầu cần biết
Bổ sung đầy đủ hàm lượng acid folic
Việc bổ sung đầy đủ acid folic trước và trong suốt thai kỳ được coi là biện pháp phòng ngừa dị tật ống thần kinh hiệu quả nhất.
Tùy theo thể trạng của từng người mà bổ sung lượng acid folic phù hợp, hàm lượng axit folic cần bổ sung được các bác sĩ khuyến cáo như sau:
– Đối với phụ nữ đang chuẩn bị mang thai: 400 microgram acid folic mỗi ngày.
– Phụ nữ có thai: 500mcg – 600 mcg acid folic mỗi ngày bao gồm cả trong viên uống tổng hợp và trong thức ăn….
– Phụ nữ cho con bú: 500 microgram một ngày.
Ngoài viên uống, phụ nữ có thể bổ sung acid folic bằng các loại thực phẩm, trái cây như quả bơ, măng tây, súp lơ xanh, ngũ cốc thô, lòng đỏ trứng, sữa tươi, cà chua và các loại đậu…
Lối sống lành mạnh
Ảnh hưởng của lối sống lên thời kỳ mang thai cực kỳ quan trọng, mẹ bầu không nên sử dụng các chất kích thích, thực phẩm có hại cho sức khoẻ thai kỳ, tránh xa môi trường làm việc có nhiệt độ cao, hoặc có chất phóng xạ… Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, yoga trong khi mang thai để tăng sức khoẻ cho cả mẹ và bé.
Thăm khám bác sĩ ngay khi có bệnh lý bất thường trong thai kỳ
Trong quá trình mang thai, nếu gặp phải các bệnh lý bất thường nào thì thai phụ cần tìm đến ngay cơ sở uy tín để có giải pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng thai nhi trong bụng.