6 lợi ích của việc cắt bỏ đường

2023-01-03 15:29:44

Loại bỏ đường khỏi thực đơn ăn uống hằng ngày giúp giảm cân, đẹp da, cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm nguy cơ mắc bệnh gan…

Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị mỗi người nên hạn chế lượng đường bổ sung dưới 10% lượng calo hàng ngày. Những khuyến nghị này không bao gồm đường tự nhiên có trong thực phẩm nguyên chất, chẳng hạn như trái cây, rau củ, sữa... Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều đường, dù tự nhiên hay nhân tạo, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan, tiểu đường, béo phì và các tình trạng sức khỏe khác.

Dưới đây là 6 lợi ích của việc cắt giảm đường.

Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu: Khi cơ thể tiêu thụ đường, tuyến tụy phải tiết ra insulin để xử lý lượng đường trong máu. Càng xử lý nhiều đường, lượng insulin tiết ra phải càng nhiều để duy trì sự cân bằng. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể gây kháng insulin, nghĩa là các tế bào dần dần ngừng phản ứng với insulin và đường tích tụ trong máu.

Kháng insulin dẫn đến tiền tiểu đường. Một số nghiên cứu chỉ ra, những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.


Giảm đường có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Giảm đường có lợi cho sức khỏe. 

Hỗ trợ kiểm soát cân nặng: Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều đường bổ sung có liên quan đến nguy cơ béo phì, thừa cân. Chế độ ăn nhiều đường bổ sung còn có liên quan đến mỡ bụng. Trong khi vòng bụng lớn, nhiều mỡ bám quanh các mô làm tăng khả năng mắc các bệnh mạn tính, như bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Có thể duy trì lượng đường bổ sung dưới mức khuyến nghị hàng ngày bằng cách chọn những thực phẩm ít đường, trái cây và rau để có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm mỡ bụng.

Cải thiện sức khỏe răng miệng: Với một người hảo ngọt, các mảng đường sẽ dính ở trên răng nhiều hơn. Theo thời gian, vi khuẩn trong miệng phân hủy đường để tạo ra axit, phá hủy bề mặt răng, gây sâu răng, viêm nướu.

Theo khuyến nghị của WHO, giảm lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống xuống dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ sâu răng.

Giảm nguy cơ mắc bệnh gan: Các nghiên cứu cho thấy, người tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao. Giảm đường bổ sung là một biện pháp được khuyến cáo có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Đường bổ sung có liên quan gián tiếp và trực tiếp đến bệnh tim. Một nghiên cứu ở Mỹ đã kiểm tra mức tiêu thụ đường bổ sung hàng ngày và nguy cơ mắc bệnh tim ở hơn 11.000 người trong khoảng 15 năm. Những người tham gia tiêu thụ 25% hoặc nhiều hơn lượng calo hằng ngày từ đường, có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn gấp đôi so với những người tiêu thụ ít hơn 10% lượng calo từ đường bổ sung.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi một người có cân nặng khỏe mạnh, việc giảm lượng đường bổ sung có thể giúp ổn định huyết áp, cholesterol và chất béo trung tính, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Cải thiện sức khỏe của da: Giảm đường trong chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe làn da. Khi bạn ăn quá nhiều đường, cơ thể sẽ tiết nhiều insulin và các hormone giống như insulin. Những kích thích tố này có thể kích hoạt những thay đổi liên quan đến da, như sản xuất nhiều nội tiết tố androgen tăng tiết bã nhờn... Cắt giảm lượng đường bổ sung cũng có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa da, giảm đàn hồi.

Bài viết liên quan