Nguyên nhân tăng đường huyết không do thực phẩm

2024-01-07 09:55:51

Căng thẳng, mất ngủ, dùng một số loại thuốc điều trị trầm cảm, thay đổi hormone có thể khiến đường huyết tăng bất thường.

Thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày là nguyên nhân thường gặp làm lượng đường trong máu thay đổi. Tuy nhiên một số lý do khác, không do thực phẩm, cũng có thể khiến đường huyết tăng cao.

Căng thẳng: Làm tăng cortisol - hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng của cơ thể. Hormone này kết hợp với các tế bào gây viêm khác như cytokine thúc đẩy quá trình phân giải glycogen và tạo mới glucose (đường). Glycogen bị phân hủy thành đường và đi vào máu, khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Hạn chế căng thẳng bằng cách thực hiện bài tập nhẹ nhàng, đi bộ, thiền. Tránh làm việc quá nhiều để ngăn lượng đường trong máu tăng cao hơn.

Mất nước: Hydrat hóa là quá trình không thể thiếu đối với sức khỏe nói chung. Cơ thể con người cần được cung cấp đủ nước để kiểm soát nhiệt độ, tiêu hóa... Khi mất nước, lượng nước thiếu hụt dẫn đến nồng độ glucose trong máu cao.

Mỗi người có nhu cầu uống nước khác nhau. Dấu hiệu nhận biết thiếu nước là nước tiểu có màu vàng sậm. Mọi người nên uống nước đều đặn mỗi ngày, có thể dùng thêm nước ép trái cây, nước cam, nước hầm xương thay vì chỉ uống nước lọc.

Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu như steroid, thuốc chống trầm cảm. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy cũng như khả năng sản xuất glucose trong cơ thể. Thuốc lợi tiểu làm tăng khả năng đi tiểu, có tác dụng giảm huyết áp, tuy nhiên có thể gây ra tác dụng phụ là tăng đường huyết do mất nước.

Nếu mắc một bệnh lý nào khác ngoài tiểu đường, người bệnh nên thông báo với bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Bác sĩ có thể tránh thuốc có khả năng làm tăng lượng đường trong máu và chọn loại ít có tác động hơn, tránh tác dụng phụ.


Một số loại thuốc có thể tác động đến lượng đường trong máu. Ảnh: Freepik

Một số loại thuốc có thể tác động đến lượng đường trong máu. 

Hormone thay đổi: Glucagon là hormone được tụy bài tiết khi nồng độ glucose máu giảm. Glucagon kích thích phân hủy glycogen ở gan, làm tăng nồng độ glucose trong máu. Amylin là hormone do tế bào beta tụy tiết ra, cũng có vai trò làm giảm nồng độ glucose sau ăn. Những hormone này có liên quan đến quá trình phân hủy gan và sản xuất glucose, cũng như độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể nhận thấy lượng đường trong máu thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi mang thai, hormone do nhau thai tiết ra có thể khiến đường huyết của người mẹ tăng cao.

Ngủ không ngon: Khi giấc ngủ không đảm bảo, hệ thống trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng, trong đó có đường huyết. Thiếu ngủ khiến các tế bào phản ứng kém với insulin, làm tăng đường huyết đột biến.

Mọi người nên thư giãn, giữ phòng ngủ mát mẻ, tắt các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ hai giờ. Đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày, không ăn uống, nhất là đồ uống chứa caffein gần giờ lên giường.

Bài viết liên quan