Thời điểm chọn bữa ăn tốt cho người bệnh tiểu đường

2023-03-08 10:41:07

Ăn bữa sáng sau khi thức dậy, ăn tối sớm khoảng hai giờ trước khi đi ngủ, tập thể dục sau bữa ăn có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường.

Quản lý lượng đường trong máu ở mức ổn định là mục tiêu hàng đầu của người bệnh tiểu đường. Hầu hết người bệnh đều biết thực phẩm, nhất là những loại có carbohydrate, ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bên cạnh thực phẩm, thời điểm bữa ăn cũng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh kiểm soát chỉ số này. Thói quen dùng bữa chính, bữa ăn nhẹ với lượng carbohydrate phù hợp vào cùng một thời điểm mỗi ngày giúp duy trì mức năng lượng ổn định, kiểm soát lượng đường trong máu. Trong khi bỏ bữa hay ăn quá nhiều trong bữa cuối ngày có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp người bệnh tiểu đường chọn thời điểm phù hợp cho các bữa ăn.

Bữa sáng: Người mắc tiểu đường nên ăn một bữa sáng lành mạnh sau khi thức dậy. Thời điểm này giúp bạn cảm thấy no, tránh bị hạ đường huyết do đói. Bổ sung thực phẩm lành mạnh sau khi thức dậy còn giúp cơ thể giữ cân bằng cả ngày.

Người bệnh nên chọn một bữa sáng lớn, đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế bỏ bữa sáng vì thói quen này làm tăng lượng đường trong máu vào buổi chiều và qua đêm, dẫn đến nồng độ đường trong máu tổng thể trong 24 giờ cao.


Thời điểm bữa ăn có liên quan đến việc ổn định lượng đường trong máu. Ảnh: Freepik

Thời điểm bữa ăn có liên quan đến việc ổn định lượng đường trong máu. 

Bữa trưa và bữa tối: Bữa trưa và bữa tối dành cho người bệnh tiểu đường nên cân bằng với cùng một lượng carb giống nhau. Bữa trưa nên cách bữa sáng khoảng 3-4 giờ hoặc tùy vào nhu cầu tiêu thụ năng lượng của từng cá thể.

Đối với bữa tối, người bệnh nên ăn tối sớm, và ăn trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Ăn tối sớm có liên quan đến béo phì và kiểm soát lượng đường trong máu kém.

Giờ ăn nhẹ: Theo các kế hoạch bữa ăn cho bệnh tiểu đường, người bệnh có thể ăn 2 bữa nhẹ cùng với 3 bữa chính. Nhu cầu ăn nhẹ nên tuân theo tín hiệu đói mà cơ thể thông báo. Người bệnh lưu ý tránh các đồ ăn chiên dầu, nhiều carb, tránh rượu bia, đồ ăn vặt ngọt.. Nếu bạn có nguy cơ bị hạ đường huyết về đêm, ăn nhẹ trước khi đi ngủ góp phần ngăn lượng đường trong máu giảm quá thấp qua đêm.

Giờ ăn và tập thể dục: Khi vận động, cơ thể sử dụng nhiều glucose hơn bình thường. Những bài tập nhẹ kéo dài trong 30 phút sau bữa ăn giúp ổn định chỉ số đường huyết, ngăn lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Tuy nhiên, bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 45-60 phút sau ăn, vận động ngay sau ăn không tốt cho sức khỏe.

Để giữ cho lượng đường trong máu và mức năng lượng ổn định suốt cả ngày, người bệnh mắc tiểu đường nên lên kế hoạch cho các bữa ăn thường xuyên bao gồm cân bằng rau, protein và carbonhydrate, giữ một bản ghi nhớ về thời gian và loại thực phẩm tiêu thụ, chỉ số đường huyết trước và hai giờ sau khi ăn...

Bài viết liên quan