2023-04-11 15:44:04
Chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa, ngũ cốc nguyên hạt, rau và cá có thể cải thiện khả năng mang thai ở phụ nữ, giúp thai kỳ khỏe mạnh.
Hoa quả và rau
Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard trên khoảng 19.000 phụ nữ cho thấy tỷ lệ rối loạn rụng trứng cao, giảm khả năng mang thai ở nhóm tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa, đường từ carbohydrate, protein động vật.
Trong khi đó, hoa quả và rau chứa nhiều chất xơ, giúp hấp thụ thức ăn tốt hơn. Dưa hấu, măng tây, các loại trái cây và rau sống khác cung cấp cho cơ thể nguồn glutathione dồi dào, rất quan trọng đối với chất lượng trứng, tăng ham muốn tình dục và cung cấp nhiều năng lượng. Cải xoăn chứa các nguyên tố cần thiết cho quá trình chuyển hóa estrogen.
Chị em nên ăn trái cây cả quả, hoặc rau có cả cuống. Song, nếu không thích ăn rau, có thể làm nước ép rau để uống thay thế. Chị em nên sử dụng nước ép tươi, có thể sao rau ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn hoặc làm nóng trong lò vi sóng với một lượng nước nhỏ, để tránh mất chất dinh dưỡng.
Chất béo gốc thực vật
Chất béo nguồn gốc thực vật lành mạnh có trong các loại hạt, bơ, dầu ô liu, có thể giảm viêm trong cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình rụng trứng đều đặn và khả năng sinh sản nói chung.
Một số chất béo có thể hỗ trợ những người bị vô sinh. Ví dụ những người đang thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêu thụ một lượng chất béo không bão hòa có thể tăng tỷ lệ thụ thai thành công. Bên cạnh đó, các chất béo nguồn gốc thực vật có thể giúp cơ thể tránh chất béo chuyển hóa (có trong khoai tây chiên và các thực phẩm đóng gói).
Bữa ăn tự chế biến, cân bằng dinh dưỡng từ rau quả và thịt, trứng giúp tăng khả năng mang thai.
Carbohydrate phức tạp
Carbohydrate phức tạp, còn gọi là carbs chậm, có trong trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Chất này được cơ thể tiêu hóa chậm, giúp giảm lượng đường trong máu và giảm tiết insulin. Các loại ngũ cốc cũng là nguồn cung cấp vitamin B, E và chất xơ có lợi cho khả năng sinh sản; giúp no lâu hơn.
Những người bị rối loạn nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng cần tăng tiêu thụ carbs chậm, giảm carbs nhanh và gluten (có trong lúa mì, lúa mạch). Gluten tạo ra phản ứng viêm trong cơ thể, làm tăng protein phản ứng C và gửi tín hiệu rằng đây không phải là thời điểm lý tưởng để thụ thai. Gluten cũng là thủ phạm khiến chuyển phôi trở nên khó khăn hơn và ức chế rụng trứng.
Chất đạm
Thịt gà, thịt lợn và thịt bò đã được loại bỏ mỡ thừa được coi là nguồn cung cấp protein, kẽm và sắt tốt cho cơ thể, giúp thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, chị em cần kiểm soát lượng thực phẩm này ở mức vừa phải do liên quan tới các vấn đề về tim mạch và vô sinh. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nutrients cho thấy nguy cơ rối loạn rụng trứng giảm một nửa khi 5% tổng lượng calo hàng ngày có nguồn gốc từ protein thực vật. Nghiên cứu của Harvard Public Health cũng cho thấy khả năng vô sinh cao hơn 39% ở những người ăn nhiều protein động vật.
Chị em có thể sử dụng nguồn protein từ các loại hải sản để thay thế. Ví dụ cá ngừ, cá mòi cung cấp DHA và axit béo omega-3, giúp phát triển hệ thần kinh của em bé và giảm nguy cơ sinh non.
Trứng cũng là một nguồn protein trong chế độ ăn uống hỗ trợ sinh sản. Lòng đỏ trứng chứa nhiều protein và choline, một loại vitamin giúp phát triển chức năng não ở trẻ sơ sinh.
Khi chọn thực phẩm giúp tăng khả năng sinh sản, bạn cũng có thể chọn protein thực vật từ đậu, quả hạch, hạt và đậu phụ. Chúng chứa chất béo lành mạnh và tương đối ít calo, có thể hữu ích nếu cần giảm cân trước khi thụ thai.
Bơ sữa
Chị em nên sử dụng sữa nguyên chất hoặc các thực phẩm từ sữa nguyên kem khác (ví dụ như sữa chua) thay cho sữa không béo và ít béo để hỗ trợ khả năng sinh sản. Lý do là tiêu thụ nhiều sữa ít chất béo làm tăng nguy cơ vô sinh do rụng trứng so với sữa nhiều chất béo. Nếu vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc thụ thai, chị em cân nhắc loại bỏ sữa khỏi chế độ ăn uống.
Một số lưu ý khác
Chọn thực phẩm tươi thay vì chế biến sẵn: Chị em nên ăn nhiều rau thịt tươi, chưa chế biến, ngũ cốc nguyên hạt hoặc sử dụng chế độ ăn Địa Trung Hải để cơ thể hấp thu được các chất dinh dưỡng tốt nhất, giảm rối loạn rụng trứng.
Bổ sung vitamin hàng ngày: Nếu thiếu vitamin, chị em có thể sử dụng một viên vitamin tổng hợp hàng ngày, chứa tối tiểu 400 mcg axit folic và 40-80 mg sắt.
Ăn uống đa dạng: Chị em không nên tập trung vào chỉ một nhóm dưỡng chất, một nhóm thực phẩm, bởi ăn quá nhiều cũng không tốt cho cơ thể. Ăn uống đa dạng có thể bổ sung những chất dinh dưỡng cơ thể đang thiếu.
Chọn thực phẩm tốt cho đàn ông: Đối tác nam có thể đóng góp 50% vào khả năng sinh con. Nam giới nên ăn măng tây, hạt hướng dương và các loại thực phẩm giàu kẽm khác để ngăn testosterone chuyển đổi thành estrogen, bổ sung vitamin, kẽm và B12 để tăng khả năng sinh sản.
(Theo Parents)