Gần 40% số ca tử vong ung thư có thể phòng ngừa

2024-07-16 16:05:24

MỸNghiên cứu mới cho thấy khoảng 40% số ca tử vong do ung thư có thể phòng ngừa được từ việc thay đổi lối sống.

Công trình do Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) thực hiện, cho thấy nhiều trường hợp ung thư và tử vong ở người từ 30 tuổi trở lên là do các yếu tố có thể ngăn ngừa được, chẳng hạn thói quen hút thuốc và chế độ ăn kém khoa học.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích tỷ lệ mắc và tử vong của 30 loại ung thư liên quan đến 18 yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Họ chỉ ra rằng hút thuốc lá, tình trạng thừa cân, thói quen uống rượu, việc tiêu thụ quá độ thịt đỏ và thịt chế biến, ăn ít trái cây và rau củ, chất xơ và canxi trong chế độ ăn có thể là nguyên nhân gây ung thư. Các yếu tố khác bao gồm kém hoạt động thể chất, bức xạ cực tím (UV) và nhiễm trùng gây ung thư, chẳng hạn virus papilloma (HPV) ở người.

Hút thuốc lá được xác định là nguy cơ hàng đầu, căn nguyên của 20% số ca ung thư và 30% số trường hợp tử vong. Tiếp theo là tình trạng thừa cân và thói quen tiêu thụ rượu.


Nghiên cứu cho thấy 40% số ca ung thư có thể phòng ngừa được. Ảnh: Pexel

Nghiên cứu cho thấy 40% số ca ung thư có thể phòng ngừa được. 

Theo giáo sư Farhad Islami, tác giả chính của nghiên cứu, để giảm khả năng mắc ung thư, người dân cần hành động ở cấp độ cá nhân trước tiên, nỗ lực tránh hoặc giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ví dụ, người nghiện thuốc lá có thể tập bỏ thuốc để giảm các rủi ro sức khỏe. Các biện pháp khác là tuân thủ hướng dẫn về chế độ ăn uống, duy trì hoạt động thể chất, trọng lượng cơ thể hợp lý và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức.

Ở cấp độ xã hội, ông cho rằng các nước nên tăng cường khả năng tiếp cận công bằng với các biện pháp phòng ngừa và điều trị ung thư. Giáo sư Islami khuyến nghị người dân tiêm vaccine phòng viêm gan B nhằm ngăn ngừa ung thư gan và vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung.

"Tiêm phòng vào thời điểm được khuyến cáo có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh mạn tính và ung thư liên quan đến virus này", tiến sĩ Ahmedin Jemal, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.

Bài viết liên quan