Dùng túi sưởi thế nào để không bị bỏng

2022-12-07 15:05:05

Người dân tuyệt đối không vừa cắm điện vừa ôm túi sưởi, kiểm tra sản phẩm thường xuyên để tránh hở, mua túi ở cơ sở uy tín, có xuất xứ.

Thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại, nhiều nơi xuống 5 độ. Ngoài điều hòa, máy sưởi, nhiều gia đình ưa chuộng dùng các sản phẩm như túi chườm nóng, chăn đệm điện, miếng dán nhiệt. Trong đó, túi sưởi được sử dụng phổ biến, chỉ cần nạp điện 5-10 phút là nóng túi, giúp giữ ấm cơ thể khoảng 4-6 tiếng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, những vật dụng cắm vào điện đều không an toàn tuyệt đối. Các sự cố bục, rò điện... gây bỏng, gây giật có thể xảy ra.

Ngày 7/12, bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), cho biết sử dụng các thiết bị sưởi ấm (nguồn cắm điện trực tiếp) có thể gây chập, cháy và lan ra vật dụng xung quanh. Trường hợp cháy, nổ trong phòng kín nguy cơ gây ngạt khí, ngộ độc khói và gây bỏng, tử vong. Tình trạng này thường xảy ra ở người già bị suy giảm ý thức, hoặc trẻ em khi sử dụng mức nhiệt độ cao trong thời gian kéo dài.

Thông thường, với nhiệt độ 68 độ C, chỉ sau một giây tiếp xúc có thể gây bỏng, 60 độ C thì sau 5 giây và 49 độ C thì thời gian gây bỏng là 5 phút. Lớp da ở người già và trẻ nhỏ mỏng hơn người trưởng thành nên thời gian gây bỏng có thể ngắn hơn.

Bác sĩ Minh khuyến cáo người dân nên tìm hiểu xuất xứ, chỉ mua túi sưởi có nhãn mác đầy đủ và có độ tin cậy, tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. Khi cắm điện nên để túi sưởi tránh xa người, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi, không ôm túi quá lâu.

Bên cạnh đó, mọi người tuyệt đối không vừa cắm điện vừa dùng; không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay. Khi cắm điện không được ngồi gần hay đặt bất cứ thứ gì lên trên, kể cả khi đã rút điện ra. Nên kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không.

Trường hợp không may bị bỏng, bạn nên kiểm tra ý thức và hô hấp của nạn nhân rồi gọi người giúp đỡ, loại bỏ tác nhân gây bỏng. Chúng ta nên ngâm hoặc để vết thương bỏng dưới vòi nước sạch. Tránh sử dụng nước đá, các thuốc bôi không rõ nguồn gốc xuất xứ; không bôi mỡ trăn, kem đánh răng. Tháo bỏ các loại đồ trang sức ở vùng bỏng như nhẫn, vòng tay.

Tiếp đó, bạn che phủ nhẹ nhàng vết thương bằng băng gạc sạch và tránh gây trầy xước, trợt vết bỏng, gây đau đớn, nhiễm trùng. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, tốt nhất là các cơ sở có chuyên khoa bỏng để tiếp tục cấp cứu.

Nếu không có túi sưởi, bạn vẫn có thể giữ ấm bằng cách duy trì nhiệt độ phòng 25-28 độ C, tránh có gió lùa, không đóng cửa kín. Không dùng bếp than vì khí CO có thể gây độc, ngạt. Không nên dùng tinh dầu thoa lên da trẻ, có thể gây kích ứng, dị ứng, phồng rộp.

Minh An

Bài viết liên quan