2024-03-05 11:53:08
Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân trong điều trị ung thư được nghiên cứu từ thế kỷ 19, các nhà khoa học đã thấy một số thành phần của vi khuẩn có thể ngăn chặn khối u tiến triển khi chúng kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Sau hàng nghìn nghiên cứu về miễn dịch với ung thư, đã có một số loại kháng thể và vaccine chống ung thư bắt đầu được áp dụng trong điều trị. Liệu pháp miễn dịch tự thân được coi như hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là khi đã có di căn hoặc các phương pháp điều trị truyền thống không đem lại hiệu quả mong muốn.
Hệ miễn dịch của chúng ta có thể mạnh hơn?
Hệ miễn dịch như một hàng rào bảo vệ của cơ thể. Không chỉ chống lại các vi sinh vật có hại, hệ miễn dịch kiểm soát các khối u trong cơ thể. Các tế bào miễn dịch giống như những người lính thường xuyên rà soát, kiểm tra tất cả các mô cơ thể. Khi phát hiện các tế bào ác tính mới, chúng sẽ loại bỏ các tế bào ác tính trước khi tạo thành các khối u nhỏ.
Tuy nhiên, các tế bào ung thư cũng ngày càng “khôn ngoan”, chúng có rất nhiều cách khác nhau để lẩn trốn hệ miễn dịch, và thậm chí ức chế các phản ứng tấn công của hệ miễn dịch đối với chúng. Khi đó, hệ miễn dịch của chúng ta bị vô hiệu hóa mất khả năng kiểm soát tế bào ung thư, dẫn đến sự hình thành và phát triển khối u trong cơ thể.
Ngoài ra, khi hệ miễn dịch của cơ thể không hoạt động tốt, các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị cũng không thể tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả. Do vậy, cần phải củng cố hệ miễn dịch, kích hoạt bắt các tế bào thực hiện nhiệm vụ nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Từ đó, có thể tăng hiệu quả điều trị cho các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị... Liệu pháp miễn dịch tự thân - AEIT (autologous enhancement immunological therapy) chính là một giải pháp đáp ứng được các yêu cầu này.
Liệu pháp miễn dịch có thể chống lại ung thư như thế nào?Nguyên lý của liệu pháp AEIT là tách các tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi người bệnh, nuôi cấy chọn lọc trong môi trường đặc biệt để gia tăng số lượng tế bào miễn dịch, sau đó truyền trở lại các tế bào này vào cơ thể của chính bệnh nhân đó. Liệu pháp này có thể sử dụng nhiều loại tế bào miễn dịch khác nhau như: Tế bào giết tự nhiên NK (Natural Killer cells), tế bào T gây độc CTL (cytotoxic T cells) ...
Nhiều nghiên cứu cho thấy tế bào NK có hiệu quả cao trong liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân. Trên thực tế, khi khả năng hoạt động của các tế bào NK trong máu ngoại vi giảm đi, nguy cơ mắc ung thư ở người trưởng thành sẽ tăng lên. Các kết quả nghiên cứu và áp dụng thực tế cho thấy, tế bào NK sau tăng sinh và hoạt hóa ngoài cơ thể có, khi truyền lại cơ thể sẽ có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.
Đối với tế bào T gây độc CTL, các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng “cao tay” hơn, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư đã “qua mặt” được các tế bào NK nói trên. CTL còn đóng vai trò quan trọng trong miễn dịch chống ung thư thông qua các đặc điểm như biểu hiện phổ rộng các phân tử thuộc MHC (phức hệ phù hợp tổ chức chính) lớp I giúp các CTL có thể nhận diện và tiêu diệt nhiều loại tế bào ác tính khác nhau, có khả năng di chuyển phát hiện được trong hệ tuần hoàn để tầm soát các kháng nguyên lạ trên bề mặt tế bào ung thư, có khả năng nhận diện các kháng nguyên đích với độ nhạy rất lớn và CTL có khả năng sản xuất interferon gamma – một cytokine có khả năng tiêu diệt trực tiếp hoặc gián tiếp tế bào ung thư.
Tế bào NK và tế bào CTL đều có khả năng nhận ra và tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng theo các cơ chế khác nhau. Vì thế, khi kết hợp hai loại tế bào miễn dịch NK và CTL sẽ có đạt được hiệu quả cao trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của việc phối hợp hai loại tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư. Đáng chú ý, một số công bố khoa học dẫn chứng những trường hợp điển hình thành công sử dụng liệu pháp ghép tế bào miễn dịch tự thân hai tế bào NK và CTL như điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IV kết hợp xạ trị; ung thư buồng trứng giai đoạn IV có di căn kết hợp với hóa trị; ung thư dạ dày giai đoạn IV kết hợp hóa trị. Ngoài ra, thời gian sống cho các bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ hay điều trị bệnh nhân ung thư bàng quang giai đoạn IV... được kéo dài.
Điều trị ung thư là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Hiện nay liệu pháp tế bào miễn dịch tự thân đều được thực hiện kết hợp với các liệu pháp điều trị truyền thống như hóa trị, xạ trị. Gần đây có rất nhiều công bố khoa học trên thế giới cho thấy khi phối hợp liệu pháp ghép tế bào miễn dịch tự thân với nhiệt trị cũng làm tăng hiệu quả điều trị ung thư lên rõ rệt. Liệu pháp miễn dịch tự thân kết hợp với nhiệt trị và hóa trị liều thấp cũng được chứng minh có thể có hiệu quả trong điều trị ung thư giai đoạn muộn ở các bệnh nhân đã kháng với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống.