Bệnh lý nội tiết trong độ tuổi sinh sản - Cần điều trị sớm, đúng và đủ

2022-11-24 12:54:55

Ngày càng nhiều chị em độ tuổi sinh sản mắc phải các bệnh lý nội tiết. Bệnh không chỉ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đến sức khỏe thông thường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mang thai cũng như quá trình mang thai của chị em. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm để giúp chị em có thể mang thai tự nhiên và sinh con an toàn, cũng như ngăn ngừa những biến chứng thai kỳ có thể xảy ra.

Những bệnh lý nội tiết phổ biến trong độ tuổi sinh sản

Hệ nội tiết của con người bao gồm nhiều tuyến nội tiết, có vai trò sản xuất các loại hormone khác nhau, thực hiện nhiệm vụ chỉ huy và điều hòa đa số các hoạt động chuyển hóa bên trong cơ thể.

Các bệnh nội tiết thường do rối loạn tăng hoặc giảm chức năng quá mức của một tuyến nội tiết cụ thể. Những bệnh lý này thường gây ra các rối loạn và nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. 

Một vài bệnh lý nội tiết trong độ tuổi sinh sản phổ biến bao gồm:

Tiểu đường và tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường là một loại bệnh chuyển hóa, gây ra do cơ thể thiếu hoàn toàn hoặc thiếu một phần insulin trong máu. Bệnh được chia thành 2 loại là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2 với những biểu hiện điển hình như: uống nhiều nước, ăn nhiều, tiểu nhiều, hoa mắt, chóng mắt, lâu lành vết thương… Nếu không điều trị sớm, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: biến chứng hô hấp, biến chứng não, biến chứng tim mạch.

Tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ bầu và thai nhi

Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở những phụ nữ bị thừa cân, béo phì, tăng insulin hoặc phụ nữ gầy, thiếu hụt insulin trong máu mặc dù trước đó họ mắc hoặc không mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như: cân nặng khi sinh quá to, dễ sinh non, thai chết lưu, mẹ dễ bị suy hô hấp trong quá trình sinh…

Bệnh lý tuyến giáp

Rối loạn nội tiết gây ra các bệnh lý tuyến giáp. Trong đó, điển hình nhất là bệnh suy giáp và cường giáp.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp tiết không đủ hormone cho quá trình chuyển hóa bình thường của cơ thể. Bệnh có các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, tăng cân, giảm ham muốn… Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng về tim mạch, gây bướu cổ, bệnh thần kinh ngoại biên, vô sinh…

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tiết quá nhiều hormone khiến tốc độ chuyển hóa trong cơ thể tăng bất thường, với các biểu hiện như mệt mỏi, tim đập nhanh, vã mồ hôi, sút cân…

Bệnh tuyến yên

Tuyến yên tiết ra các kích thích tố, ảnh hưởng đến hầu hết các phần của cơ thể nên nếu tuyến yên gặp vấn đề thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Suy tuyến yếu là tình trạng tuyến yên không sản xuất đủ một hoặc nhiều loại hormone, dẫn đến nhiều triệu chứng như thiếu hormone hướng sinh dục, thiếu hormone kích thích tuyến giáp gây suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng.

Người bị suy tuyến yên thường có các biểu hiện như giảm ham muốn, vô kinh ở nữ giới dẫn đến vô sinh, cơ thể xanh xao, da khô, sụt cân, mệt mỏi…

Ngoài ra, khi tuyến nội tiết bất thường, người bệnh còn có thể gặp phải các bệnh lý khác như suy tuyến thượng thận, suy tuyến sinh dục…

benh ly noi tiet

Bệnh lý tuyến yên ảnh hưởng đến đa số các hoạt động của cơ thể

Bệnh nội tiết trong độ tuổi sinh sản nguy hiểm như thế nào?

Các bệnh lý nội tiết ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bên trong cơ thể. Nhất là đối với những người trong độ tuổi sinh sản, bệnh không chỉ tác động đến sức khỏe thông thường mà còn ảnh hưởng đến khả năng mang thai và có thể gây hại cho thai nhi.

Tiểu đường thai kỳ là một ví dụ điển hình. Bệnh lý này khiến mẹ bầu tăng cân nhanh, mệt mỏi, tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thai nhi.

Mắc tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu của mẹ tăng cao khiến thai nhi phát triển quá lớn, cân nặng vượt mức cho phép, tăng nguy cơ sinh mổ, chuyển dạ sớm. Bên cạnh đó, em bé của những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ còn có nguy cơ cao bị hạ đường huyết ngay sau sinh, thậm chí bị chết lưu trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, những bệnh lý khác như suy giáp, rối loạn tuyến yên, rối loạn tuyến thượng thận, suy tuyến sinh dục đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Chị em mắc những bệnh lý này thường bị giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, nên làm giảm khả năng mang thai tự nhiên.

Bệnh lý nội tiết khi nào cần điều trị?

Nhiều bệnh lý nội tiết không có biểu hiện rõ rệt nên thường được phát hiện muộn. Bên cạnh đó, nhiều người chủ quan không đi khám bệnh khi có biểu hiện bất thường hoặc mặc dù đã biết mình mắc bệnh nhưng vẫn chủ quan xem nhẹ, không điều trị hoặc tự ý điều trị tại nhà. Điều này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với chính sức khỏe của họ.

Theo các chuyên gia, bệnh lý nội tiết có thể tiến triển tích cực nếu người bệnh thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, các biện pháp trên không đem lại hiệu quả cao, nhiều trường hợp vẫn xảy ra biến chứng nguy hiểm dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, nhất là đối với các bệnh tiểu đường, tiểu đường thai kỳ…

Thế nên, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi tầm soát bệnh lý nội tiết để phát hiện cũng như điều trị sớm. Bệnh nội tiết cần điều trị trong thời gian dài, không phải điều trị ngày 1 ngày 2 nên người bệnh hết sức lưu ý vấn đề này. Điều trị sớm, đúng và đủ là yêu cầu bắt buộc để chấm dứt nỗi lo bệnh nội tiết.

Nếu đang có ý định mang thai, chị em nên đi khám tổng quát, khám tiền hôn nhân để kiểm tra một vài chỉ số quan trọng về sức khỏe, nội tiết cũng như đánh giá khả năng sinh sản. Các kỹ thuật y khoa nên thực hiện như: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đường máu, khám phụ khoa…

Nếu là người từng có tiền sử bệnh nội tiết trong lần mang thai trước, hãy đi khám sức khỏe, kiểm tra nội tiết trước khi mang thai lần tiếp theo để được bác sĩ tư vấn cũng như có biện pháp can thiệp kịp thời trước khi mang thai, nhằm làm giảm nguy cơ tái mắc bệnh trong thai kỳ tiếp theo.

Bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn (giảm đường, giảm tinh bột, ăn nhiều rau xanh…), tăng cường vận động. Trường hợp nặng, cần uống thuốc hoặc tiêm insulin theo chỉ dẫn chuyên khoa.

Nhiều bệnh nhân suy giáp, ung thư tuyến giáp vẫn có thể mang thai an toàn nếu tuân thủ việc thăm khám, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước và trong suốt thai kỳ.

Bài viết liên quan