6 việc nên làm buổi sáng tránh tăng đường huyết

2023-08-21 11:04:25

Uống nước để hạn chế mất nước, ăn bữa sáng giàu chất xơ và protein, thư giãn bằng một bài tập giúp kiểm soát đường huyết.

Mức đường huyết có xu hướng tăng trong khoảng 3-8h do cơ thể tiết ra nhiều insulin nhằm cân bằng lượng đường trong máu. Dưới đây là cách giúp quản lý đường huyết ở mức cân bằng.

Uống một cốc nước buổi sáng: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người bị tăng đường huyết thường đi tiểu nhiều hơn, tăng khả năng mất nước. Giữ nước là cách đơn giản để kiểm soát lượng đường trong máu. Nên bắt đầu ngày mới với một ly nước đầy, uống thường xuyên trong cả ngày, tránh đồ uống có đường như soda, nước giải khát.

Ăn bữa sáng cân bằng: Ăn sáng sau một giờ thức dậy, khi đã uống một cốc nước lọc. Thực đơn gồm thực phẩm giàu protein (trứng, phô mai ít béo, thịt gia cầm), chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu suốt buổi sáng. Bữa sáng với trứng, quả bơ và một lát bánh mì nướng làm từ lúa mì nguyên cám cũng tốt cho người bệnh. Thực đơn khác gồm thịt gà áp chảo, quả mọng và sữa chua nguyên chất.


Bữa sáng có đầy đủ protein, chất xơ tốt cho đường huyết. Ảnh: Freepik

Bữa sáng có đầy đủ protein, chất xơ tốt cho đường huyết.

Lựa chọn cà phê: Người bệnh tiểu đường có thể uống cà phê sáng đúng cách để tránh tăng đường huyết. Cách tiêu thụ cà phê thân thiện là uống loại nguyên chất, tránh thêm đường và chất làm ngọt.

Thức dậy sớm hơn: Lo lắng, vội vã thúc đẩy cơ thể sản xuất nhiều hormone cortisol hơn. Loại hormone kích thích gan và các cơ giải phóng nhiều đường hơn vào máu, làm tăng đường huyết. Thức dậy sớm hơn 10-20 phút để chủ động hơn như chuẩn bị quần áo, nấu bữa sáng, đến công ty đúng giờ, tránh vội vã.

Tập luyện nhẹ nhàng: Đi bộ 10-20 phút trước khi đi làm hoặc đi bộ 10 phút sau bữa sáng cải thiện độ nhạy insulin, giảm lượng đường trong máu. Nếu có thời gian, bạn tập thể dục nhịp điệu, đạp xe. Các bài tập nhẹ nhàng này cũng kiểm soát đường huyết.

Chuẩn bị sẵn bữa trưa: Bữa trưa lành mạnh với thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh và chất xơ góp phần ổn định đường huyết cả ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng đường huyết ở người tiểu đường và không mắc tiểu đường như ăn quá nhiều carbohydrate, mất nước, lối sống ít vận động, dùng nhiều đường, căng thẳng...

Đường huyết cao có thể gây tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ biến chứng. Tình trạng này kéo dài làm hỏng dây thần kinh, thận và các cơ quan khác.

Bài viết liên quan