Tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào. Một số thay đổi nhỏ trong lối sống góp phần tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phòng bệnh tim.
Ổn định mức cholesterol: Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn ở người có tổng mức cholesterol trên 200 mg/dL, cholesterol tốt HDL dưới 40 mg/dL, cholesterol xấu LDL trên 160 mg/dL, chất béo Triglyceride trên 150 mg/dL. Áp dụng chế độ ăn ít cholesterol, chất béo bão hòa, đường tinh luyện và tăng cường chất xơ giúp giảm mức cholesterol.
Kiểm soát huyết áp cao: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim thường gặp. Tập thể dục, ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, thức ăn mặn có thể giúp ích. Một số người bệnh có thể cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ cũng góp phần kiểm soát huyết áp cao. Người bệnh huyết áp cần tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ như dùng thuốc đều đặn, thay đổi lối sống lành mạnh, đo huyết áp thường xuyên...
Tập thể dục đều đặn: Cải thiện chức năng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội. Hoạt động cường độ cao như chạy bộ, nâng tạ, squats duy trì khoảng 75 phút mỗi tuần.
Các bài tập chia đều trong tuần thay vì dồn tất cả vào một hoặc hai ngày liên tiếp. Người mới tập nên bắt đầu với những buổi ngắn và tăng dần thời lượng cũng như cường độ.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống cân bằng là điều cần thiết để duy trì trái tim khỏe mạnh. Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các loại hạt và đậu, thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác tốt cho sức khỏe. Hạn chế thịt đỏ; thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo; đồ uống chứa nhiều natri, đường vì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Bỏ hút thuốc: Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở người đau tim. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến khích bỏ thuốc lá không chỉ mang lại lợi ích đối với trái tim mà còn góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể.
Cắt giảm rượu: Uống quá nhiều gây tăng huyết áp và nguy cơ đau tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nam giới uống tối đa hai ly rượu mỗi ngày và một ly đối với phụ nữ.
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol và chất béo trung tính cao, yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim. Tuân theo khuyến nghị từ bác sĩ và duy trì thói quen sống lành mạnh để kiểm soát đường huyết.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim do góp phần trực tiếp vào các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2, tăng huyết áp và rối loạn giấc ngủ. Giảm cân tốt cho trái tim đồng thời hạ huyết áp và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng làm tăng hoạt động một phần nhỏ của não gọi là amygdala (hạch hạnh nhân). Nó hoạt động mạnh kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn, ảnh hưởng đến mạch máu. Lúc này các mảng bám tích tụ trong động mạch, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các bài tập thể dục, thiền và thở sâu có thể cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng.
Bảo Bảo (Theo WebMD, Health)