Viêm họng cấp tính là căn bệnh thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi và dễ mắc khi thời tiết chuyển mùa. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính và có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.
1. Viêm họng cấp - căn bệnh thường xảy ra lúc giao mùa
Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc họng trong thời gian kéo dài không quá 4 tuần. Đây là căn bệnh phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh thường gặp ở trẻ em, xuất hiện cùng các bệnh khác như viêm VA, viêm amidan
Nguyên nhân gây bệnh có thể là do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác có trong họng) hoặc virus cúm, sởi,... Các yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá, thời tiết biến đổi thất thường,... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viêm họng cấp ở trẻ thường khởi phát đột ngột. Viêm họng gây sốt cao 39 - 40°C, rát họng, khó nuốt và nuốt đau. Ban đầu, bệnh nhân thấy khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, đau tăng lên khi nuốt, khi ho và nói chuyện. Bệnh nhân viêm họng cấp còn có triệu chứng đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt. Các triệu chứng đi kèm là tắc mũi, chảy nước mũi, khàn tiếng, ho khan và sưng hạch cổ.
Tình trạng viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày. Nếu sức đề kháng của bệnh nhân tốt thì bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng mất đi nhanh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sức đề kháng yếu thì bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.
2. Biến chứng viêm họng cấp
Viêm họng cấp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Biến chứng viêm cầu thận cấp: Tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ ở các cầu thận của 2 thận. Bệnh diễn biến cấp tính, có biểu hiện phù, tăng huyết áp, tiểu ra máu và protein niệu. Các triệu chứng bệnh khá điển hình nên có thể phát hiện dễ dàng và khỏi hoàn toàn sau 6 tuần điều trị;
- Biến chứng thấp khớp cấp: Tình trạng viêm cấp tính các khớp lớn (khớp gối, cổ chân, cổ tay và khuỷu tay), xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn. Các khớp bị viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau. Biến chứng này nếu không được điều trị có thể gây hỏng màng khớp, ảnh hưởng tới chức năng vận động sau này;
- Biến chứng thấp tim: Tình trạng viêm tim xảy ra ở màng trong tim, cơ tim, màng ngoài tim hoặc viêm tim toàn bộ. Biến chứng này có thể gây tổn thương van tim, màng ngoài tim, dẫn tới hàng loạt các vấn đề về tim mạch sau này như hở van tim, hẹp van tim, viêm màng trong tim,... có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân;
Viêm họng cấp gây nên biến chứng thấp tim
- Biến chứng tại chỗ: Gồm áp xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, áp xe thành họng (ở trẻ nhỏ);
- Biến chứng gần: Viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra, viêm họng cấp tính còn có thể lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm khí quản, phế quản hay viêm phổi.
3. Cách phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa
- Vệ sinh răng miệng, mũi,họng thường xuyên và hằng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn miệng, họng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Nên tắm bằng nước ấm, đặc biệt là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch;
- Chú ý không ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh khi vừa tắm xong;
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm. Với trẻ em cần giữ ấm các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, cổ, ngực, đầu,...;
- Không tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp, người đang hút thuốc lá;
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ quá lạnh như kem, đá,...
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả;
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất;
- Tiêm vaccine phòng chống các loại bệnh;
- Khi bị bệnh viêm họng cấp tính, bệnh nhân nên dùng thức ăn mềm, dễ nuốt, ăn thêm rau và trái cây, nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, vệ sinh cơ thể sạch sẽ và giữ khoảng cách với người khác, tránh gây lây nhiễm bệnh.
Viêm họng là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và những người có sức đề kháng yếu. Bệnh thường tự lành và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan khi bị viêm họng cấp tính bởi nếu tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng thì có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi bị viêm họng người bệnh nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị sớm, tránh biến chứng.