2022-07-25 15:12:22
Cơn khát diễn ra thường xuyên, không giảm kể cả khi người bệnh uống nhiều nước có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý.
Thông thường, cảm giác khát sẽ biến mất nếu cơ thể được bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Tuy nhiên, khi cơ thể xảy ra bất thường sẽ làm tăng bài tiết nước tiểu (đa niệu), hoặc giảm tiết nước bọt gây khô miệng, làm cho người bệnh cảm thấy khát. Lúc này, người bệnh thường xuyên cảm thấy khát quá mức, kéo dài trong nhiều ngày nhiều tuần. Cơn khát không biến mất kể cả khi người bệnh uống nhiều nước.
Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý.
Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng này như:
Đái tháo đường: Người bình thường sẽ đi tiểu từ 4 – 7 lần trong vòng 24 giờ, nhưng khi mắc đái tháo đường, người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn. Nguyên nhân là do bệnh đái tháo đường làm tăng lượng glucose trong máu, thận không thể hấp thu tất cả. Do đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn để thải glucose ra ngoài, điều hòa lượng đường huyết trong máu. Khi đi tiểu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, gây khát. Ngoài ra, nếu đái tháo đường là nguyên nhân gây khát nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng như mệt mỏi, mau đói, nhìn mờ, các vết cắt và bầm chậm lành...
Đái tháo nhạt: Là tình trạng rối loạn khả năng cân bằng nước trong cơ thể. Lúc này, thận của người bệnh không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Do đó, người bệnh sẽ khát và muốn uống nhiều nước hơn. Nếu bị đái tháo nhạt, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mất nước. Bên cạnh đó, đái tháo nhạt có thể gây khát nước nhiều về đêm, làm tăng nhu cầu tiểu đêm, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của người bệnh.
Thiếu máu: là tình trạng cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh cần thiết. Trong khi thiếu máu nhẹ không gây khát quá nhiều thì ở thiếu máu nặng, người bệnh sẽ khát dữ dội, kèm theo chóng mặt, kiệt sức, mạch đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều... Thiếu máu có thể xảy ra do chấn thương, bệnh lý, lối sống hoặc bẩm sinh.
Tác dụng phụ của thuốc kháng cholinergic: Thuốc kháng cholinergic là thuốc ngăn chặn hoạt động xấu của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Thuốc này được dùng để điều trị các bệnh lý như phổi tắc nghẽn mạn tính, bàng quang tăng hoạt, rối loạn tiêu hóa, bệnh parkinson... Thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn ngủ, mắt nhìn mờ, khó đại tiện..., trong đó, có hiện tượng khô miệng do giảm tiết nước bọt, làm cho người bệnh khát nhiều.
Khát nước kéo dài gây mệt mỏi, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, bác sĩ chia sẻ, dù ít gặp hơn nhưng khát nhiều cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng tăng canxi máu, khát tâm lý, hội chứng sjogren, cường aldosteron nguyên phát... Theo đó, tăng canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu trên mức bình thường do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, hoặc mắc bệnh lao, u hạt, ung thư... Tăng canxi máu gây ra cảm giác khát nước dữ dội, đi tiểu thường xuyên, đau bụng, táo bón, yếu cơ, mệt mỏi và rối loạn nhịp tim..
Trong khi đó, khát tâm lý là hiện tượng người bệnh cần uống nhiều nước để làm dịu đi cảm giác khát do ADH bị ức chế một cách bất thường. Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn gây ngừng tạo nước bọt, hậu quả là khô miệng và người bệnh cần uống nước để giảm bớt khó chịu. Ở hội chứng cường aldosteron nguyên phát, aldosteron được sản xuất ra quá nhiều, dẫn đến hạ kali máu, nước ít được tái hấp thu nhưng thải ra ngoài nhiều hơn, dẫn đến tình trạng đa niệu, gây khát nước.
Để điều trị chứng khát nhiều, bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, vì khát nhiều không giảm trong thời gian dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, do đó người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra ngay khi phát hiện tình trạng này.