2022-04-27 10:23:22
Polyp là những khối u lành tính. Khi có quá nhiều khối u dạng này xuất hiện trong ruột già thì bệnh mang tên là đa polyp đại trực tràng. Tuy đa số polyp đại trực tràng là lành tính nhưng người bệnh đa polyp đại trực tràng có nguy cơ tiềm ẩn ung thư vì khi có một trong các khối u tăng sinh quá mức và không được biệt hóa sẽ trở nên ác tính.
1. Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Polyp trực tràng được định nghĩa là những khối u lồi vào bên trong lòng của trực tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng. Đây là sự phì đại của biểu mô tuyến quanh một trục liên kết mạch ở trực tràng.
Trên một người có thể chỉ xuất hiện 1 polyp đơn độc hoặc nhiều polyp nhưng riêng biệt. Nguy cơ polyp thoái hóa trở thành ác tính của polyp trực tràng tùy thuộc vào kích thước của chúng. Nếu các polyp trực tràng có đường kính không quá 5mm, ít có nguy cơ phát triển thành ung thư, nhưng khi polyp có đường kính lớn hơn 20mm, kéo dài khoảng 10 năm, nguy cơ trở thành ung thư là rất lớn (chiếm tới 50%).
2. Polyp đại tràng có nguy hiểm không?
Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới lớp niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng một số trường hợp có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, một người càng xuất hiện nhiều polyp đại tràng hoặc có một vài polyp nhưng kích thước càng lớn càng cần phải lưu tâm, cảnh giác, không được chủ quan, bởi vì, rất có thể diễn biến thành ung thư bất cứ lúc nào.
Trong thực tế các chuyên gia y tế chia làm hai loại polyp đại tràng phổ biến nhất, đó là polyp tăng sản và polyp u tuyến. Các polyp tăng sản không có nguy cơ bị ung thư. Các polyp u tuyến được cho là tiền thân cho phần lớn bệnh ung thư đại tràng, mặc dù cơ bản các u tuyến không phải bao giờ cũng trở thành ung thư, nhưng các khối polyp có kích thước lớn có nhiều khả năng trở thành ung thư và một số những polyp với kích thước rất lớn (hơn 2cm) có thể có những vùng nhỏ bị ung thư hóa.
Mặt khác những polyp có chân rộng, không có cuống, khả năng ác tính cao hơn những loại có chân nhỏ hay cuống dài và trên một cơ thể càng có nhiều polyp, khả năng ác tính càng cao, đặc biệt những trường hợp nhiều polyp đại tràng di truyền, khả năng trở thành ung thư là rất lớn. Vì vậy, người bệnh không được chủ quan với căn bệnh này.
Để chẩn đoán polyp đại tràng, cần chụp X-quang đại tràng có chuẩn bị, tốt nhất là nội soi đại tràng. Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể sinh thiết để xét nghiệm phát hiện tế bào lạ (tế bào ác tính). Ngoài ra có thể chụp cộng hưởng từ.
Trên thực tế, polyp đại tràng cần được cắt bỏ để ngăn ngừa ung thư. Những khối u nhỏ có thể được cắt qua soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma. Những khối u lớn hoặc khó có thể cần phẫu thuật mở ổ bụng. Trong một số trường hợp bị hội chứng polyp đại tràng có tính gia đình, có thể phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng.
3. Tại sao polyp đại trực tràng nguy hiểm
Tuy đa số những khối u là lành tính nhưng người bệnh đa polyp đại trực tràng có nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh ung thư vì khi có một trong các khối u tăng sinh quá mức và không được biệt hóa sẽ trở nên ác tính.
Khoảng 90% trường hợp ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp. Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Nó chỉ đứng sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Ở phụ nữ, tỉ lệ mắc ung thư trực tràng chỉ đứng sau ung thư vú (theo Globalcan 20124).
Thông thường polyp đại trực tràng thường vô hại và không có triệu chứng gì rõ rệt. Tuy nhiên, nếu thấy có máu trong phân, đột ngột bị tiêu chảy hoặc táo bón và kéo dài trong nhiều ngày, bạn nên đi khám hoặc nhập viện càng sớm càng tốt vì có nguy cơ cao polyp đã chuyển sang ung thư. Do mối liên quan của polyp đại trực tràng với sự phát sinh ung thư đại tràng vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị polyp là một biện pháp quan trọng đề phòng ngừa phát sinh ung thư sau này.
Để phòng bệnh polyp đại trực tràng, cần có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Chú ý ăn đủ lượng canxi, ăn nhiều rau quả, ngũ cốc; hạn chế mỡ và rượu, bỏ thuốc lá; thường xuyên luyện tập thể dục và duy trì cân nặng bình thường. Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng nên làm xét nghiệm gen và đi khám sàng lọc định kỳ. Một số liệu pháp đã được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc polyp cũng như giảm tỷ lệ polyp tiến triển thành ung thư: liệu pháp hormon, thuốc aspirin, canxi, axit folic và vitamin B6. Tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ.