2023-08-21 11:25:53
HÀ NỘI - Người phụ nữ 40 tuổi, bị chậm kinh dù đang đặt vòng tránh thai, bác sĩ khám bất ngờ phát hiện một bào thai làm tổ ở lá lách.
Bệnh nhân đã sinh thường hai lần, đặt vòng tránh thai suốt 6 năm nay. Lần này chị đau bụng âm ỉ bốn ngày, bệnh viện tuyến dưới xét nghiệm chỉ số BhCG (hormone ở phụ nữ đang mang thai) tăng cao trong khi siêu âm đầu dò âm đạo không thấy thai trong tử cung.
Chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện trong nhu mô lách có túi thai, có tim thai, chẩn đoán "chửa ở lá lách". Các bác sĩ sản khoa hội chẩn với đồng nghiệp chuyên khoa ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, quyết định phẫu thuật cắt khối thai và một phần lá lách bệnh nhân.
Bác sĩ Đinh Quốc Hưng, Bệnh viện phụ sản Trung ương, cho biết chửa ở lá lách là trường hợp cực kỳ hiếm gặp trong các hình thái chửa ngoài tử cung. Đây là hiện tượng thai làm tổ trên bề mặt hoặc trong nhu mô lá lách. Y văn thế giới đã ghi nhận 39 trường hợp.
Lá lách là bộ phận nội tạng cơ thể nằm gần dạ dày, trên tuyến tụy và thận, cách rất xa khu vực tử cung, vòi trứng.
Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như chậm kinh, đau bụng âm ỉ hoặc đột ngột, dữ dội gây choáng nếu vỡ khối thai. Với bệnh nhân chửa ở lách, chỉ số BhCG thường rất cao, tăng liên tục sau mỗi lần xét nghiệm.
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã báo cáo ca bệnh này tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2023, hôm 15/8. Trước đó, năm 2017, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng ghi nhận ca chửa ở lá lách đầu tiên tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới. Cùng năm, một thai phụ người Trung Quốc mang thai ba tháng tuổi đang phát triển trong lá lách. Điểm đặc biệt của ca này là thai nhi không chết mà còn lớn lên trong lá lách. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ một phần lá lách mẹ để đưa bào thai ra ngoài.