Có nên đếm số calo khi ăn uống?

2023-05-15 14:34:13

Đếm lượng calo thường khó thực hiện, không phản ánh khả năng chuyển hóa năng lượng của cơ thể, gây rối loạn ăn uống và tiêu hóa.

Đếm lượng calo thường được coi là cách hiệu quả để đo lường dinh dưỡng, năng lượng nạp vào cơ thể. Để đếm calo, mọi người thường phải cân lượng thực phẩm ăn vào, sau đó sử dụng các ứng dụng có chức năng quy đổi thành phần dinh dưỡng và trọng lượng thực phẩm ra calo. Cách này được cho là giúp kiểm soát bữa ăn, giảm cân hoặc duy trì vóc dáng cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đếm calo không mang lại nhiều lợi ích giảm cân. Cơ thể đốt cháy calo phụ thuộc vào loại thực phẩm, tốc độ trao đổi chất, hệ vi sinh đường ruột. Trong đó, một số loại sinh vật trong ruột có thể phân hủy và sử dụng nhiều calo hơn một số loại sinh vật khác. Tốc độ trao đổi chất quyết định cơ thể nên có cân nặng như thế nào, nhiều người đã tăng cân trở lại để thích nghi với tốc độ trao đổi chất cũ.

Cuối cùng, mỗi loại thực phẩm cung cấp năng lượng khác nhau. Một nghiên cứu vào năm 2019 công bố trên tạp chí Cell Metabolism, trên 20 người, chia làm 2 nhóm dùng thực phẩm tươi và thực phẩm đã qua chế biến, được cung cấp những bữa ăn có cùng lượng calo, đường, natri, chất béo, chất xơ và vi chất dinh dưỡng tương tự. Tuy nhiên, nhóm ăn thực phẩm đã qua chế biến tăng cân, ăn nhiều hơn 500 calo mỗi ngày, nhóm còn lại thì giảm ăn, giảm nạp calo.


Đếm lượng calo trong thức ăn khó thực hiện và dễ gây rối loạn ăn uống. Ảnh: Freepik

Đếm lượng calo trong thức ăn khó thực hiện và dễ gây rối loạn ăn uống.

Vì vậy, đếm lượng calo chưa phải là phương pháp hiệu quả để kiểm soát cân nặng. Những người bị rối loạn tiêu hóa và rối loạn ăn uống không được khuyến khích đếm calo do có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy trong 105 người được chẩn đoán mắc rối loạn ăn uống, 73% đã sử dụng ứng dụng đếm lượng calo và cảm thấy bị rối loạn ăn uống, ăn kiêng ngặt nghèo hơn, bữa ăn mất cân bằng.

Nếu đang đếm calo để giảm cân hoặc duy trì vóc dáng, mọi người cần tự nhận biết các tín hiệu xấu của cơ thể để dừng lại. Tín hiệu đơn giản nhất là khi được rủ đi ăn nhưng bạn chỉ nghĩ đến việc đếm calo, thay vì tập trung vào hàm lượng dinh dưỡng của bữa ăn. Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc lo lắng khi không đếm được calo trong bữa ăn hàng ngày, thiếu năng lượng, mệt mỏi, khó ngủ, không có cảm giác đói cũng là dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng lại.

Thay vào đó, mọi người nên tập trung vào chất lượng bữa ăn. Ví dụ, hãy cắt giảm hoặc loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn ít dinh dưỡng và khiến cơ thể tiêu thụ nhiều thức ăn hơn. Hãy chọn các thực phẩm tươi, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tự nhiên.

Mỗi người nên lên lịch tập thể dục thường xuyên, cường độ tập từ vừa phải đến cao, tối thiểu 150 phút một tuần. Bài tập vừa sức là bài tập khiến người tập vẫn có thể nói chuyện được, song không thể hát. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần ưu tiên ngủ ngon vào ban đêm, do thiếu ngủ sẽ làm tăng cân.

Nếu đang cảm thấy quá căng thẳng, hãy thư giãn hoặc tìm cách kiểm soát mức độ căng thẳng. Căng thẳng tương tự giấc ngủ kém, có thể dẫn đến tăng cân.

Bài viết liên quan