Bóng đè

2023-10-24 15:25:42

Người bị bóng đè thường cảm thấy mình đang có ý thức nhưng không thể cử động, nói chuyện, di chuyển trong vài giây hoặc vài phút.

Bóng đè là dạng rối loạn giấc ngủ, còn gọi là chứng tê liệt khi ngủ, xảy ra khi chuyển giữa giai đoạn thức và ngủ. Một số người cảm thấy áp lực, nghẹt thở, gào thét. Bóng đè hay đi kèm với các rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ.

Bóng đè là dấu hiệu cho thấy cơ thể vận động không suôn sẻ, ít khi liên quan đến các vấn đề tâm thần tiềm ẩn.

Nguyên nhân

Theo các nhà nghiên cứu, bóng đè do chu kỳ chuyển động nhanh của mắt bị rối loạn, chủ yếu xảy ra khi một người bắt đầu hoặc thoát ra khỏi giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt). Trong giai đoạn đó, não làm tê liệt các cơ, khiến giấc mơ không thể hoàn thiện. Hầu hết trường hợp bóng đè, người ngủ vẫn tỉnh táo hoặc nửa thức nửa tỉnh và nhận thức được cơ thể không thể cử động. Bóng đè có thể xảy ra do truyền, căng thẳng và giấc ngủ gián đoạn do thức khuya, lệch múi giờ, lo âu.

Yếu tố nguy cơ

Theo Web MD, cứ 10 người thì có 4 người từng mắc bóng đè một lần trong đời, phổ biến ở tuổi thiếu niên. Các yếu tố khác làm tăng khả năng bóng đè như người thiếu ngủ, thay đổi lịch trình ngủ đột ngột, tình trạng tâm thần như căng thẳng và rối loạn lưỡng cực, ngủ ngửa.

Người có các vấn đề về giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ, chuột rút ở chân vào ban đêm, sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng động giảm chú ý, lạm dụng chất gây nghiện dễ gặp tình trạng bóng đè.


Người bị bóng đè thường có cảm giác mệt mỏi. Ảnh: Freepik

Người bị bóng đè thường có cảm giác mệt mỏi. 

Chẩn đoán

Không cần điều trị nếu một người bị bóng đè vài tháng một lần. Người gặp tình trạng này kéo dài, lặp lại nhiều lần gây ra mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ suốt đêm... thì nên khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ hỏi về nhật ký giấc ngủ trong vài tuần, lịch sử sức khỏe bao gồm các vấn đề rối loạn giấc ngủ từng xảy ra.

Phòng bệnh

Để phòng tránh trường hợp này, nên cải thiện thói quen ngủ như ngủ đủ giấc 6-8 giờ mỗi đêm. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần (nếu có), các rối loạn giấc ngủ như chứng ngủ rũ, chuột rút gây bóng đè...

Một số thay đổi như giảm căng thẳng trong cuộc sống, nhất là căng thẳng mệt mỏi trước khi đi ngủ. Thay vì nằm ngửa nên ngủ nghiêng sang trái hoặc phải để hạn chế bóng đè.

Bài viết liên quan