Hơi thở có mùi không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, tự ti khi giao tiếp. Một số nguyên nhân phổ biến khiến hơi thở có mùi như vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc, ăn món có mùi như hành, tỏi. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác khiến hơi thở có mùi ít gặp hơn.
Chế độ ăn kiêng low-carb: Cắt giảm lượng carbs và tăng lượng protein tiêu thụ buộc cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình đó tạo ra các hợp chất gọi là ceton, gây mùi hôi trong miệng. Trong trường hợp này, vệ sinh răng miệng sạch sẽ khó giải quyết được vấn đề vì đây không phải là nguyên nhân gốc rễ. Nhai kẹo cao su hoặc dùng trà bạc hà giúp che mùi hơi thở trong trường hợp này.
Lưỡi bẩn: Vi khuẩn trên lưỡi là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Vệ sinh răng miệng, chăm sóc răng sạch sẽ mà quên chải lưỡi hàng ngày bằng dụng cụ cạo lưỡi khó giảm mùi hôi. Nên chọn dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng, mềm và tránh loại nhựa giòn, có thể gãy, cũng như những loại kim loại, sắc nhọn dễ gây tổn thương miệng.
Hoa quả sấy khô: Chứa nhiều đường và vi khuẩn gây mùi rất thích ăn đồ này. 1/4 cốc nho khô có 21 g đường, 1/4 cốc mơ khô có 17 g, tương đường ăn 4-5 thìa đường nguyên chất. Trái cây khô rất dính nên có thể mắc kẹt trên và giữa các kẽ răng, nếu không được loại bỏ bằng chỉ nha khoa hoặc đánh răng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và viêm phế quản; gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, đờm nhầy, ho, đau họng... Vi khuẩn gây mùi thích bám vào chất nhầy, người nghẹt mũi chủ yếu thở bằng miệng, dễ dẫn đến khô miệng khiến mùi hơi thở khó chịu.
Vi khuẩn HP: Trào ngược axit làm hơi thở có mùi do thức ăn chưa tiêu hóa trào ngược trở lại. Bên cạnh đó, vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây viêm loét dạ cũng có thể gây hôi miệng. Điều trị xử lý vi khuẩn có thể loại bỏ mùi hôi khó chịu.
Thuốc: Nước bọt có vai trò rửa sạch thức ăn và vi khuẩn, ngăn ngừa hôi miệng. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn, bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc chữa dị ứng, có thể ngăn chặn dòng nước bọt. Nếu phải uống thuốc, người bệnh nên uống nhiều nước hơn, nhai kẹo cao su không được để giữ ẩm cho miệng.
Sỏi amidan: Loại sỏi này được tạo thành từ mảnh thức ăn, tế bào chết và chất nhầy bị mắc kẹt trong các đường viền của amidan và phía sau lưỡi dẫn đến mùi khó chịu. Súc miệng bằng nước muối có thể đẩy các mảng bám ra khỏi miệng nhanh hơn, góp phần giảm mùi.
Trám răng: Người đã được trám răng nhưng không vệ sinh sạch sẽ dễ tạo môi trường cho mảnh thức ăn và sinh sản vi khuẩn, dẫn đến sâu răng, bệnh nướu răng và hôi miệng.