WHO thúc đẩy nghiên cứu ứng phó đại dịch X

2024-08-05 18:02:18

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch bệnh (CEPI) kêu gọi các chuyên gia, chính phủ đẩy mạnh nghiên cứu về đại dịch tiềm ẩn tiếp theo.

Tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Ứng phó Đại dịch Toàn cầu 2024 tại Rio de Janeiro, Brazil, đầu tháng 8. Ban Nghiên cứu và Phát triển của WHO về dịch bệnh đã đưa ra một báo cáo, kêu gọi các nhà khoa học và quốc gia có cách tiếp cận nhiều mặt hơn đối với mầm bệnh X (đại dịch tiềm ẩn trong tương lai).

Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nghiên cứu trên các nhóm bệnh và mầm bệnh riêng lẻ có thể lây nhiễm sang người, bất kể nguy cơ hiện tại thấp hay cao.

Mục tiêu của kế hoạch là tạo ra kho kiến thức, công cụ và biện pháp ứng phó chung, có thể áp dụng rộng rãi, nhanh chóng nhằm thích nghi với các mối đe dọa mới nổi. Chiến lược này cũng nhằm tăng tốc giám sát và nghiên cứu, hiểu cách mầm bệnh truyền và lây nhiễm sang người.

"Kế hoạch này sẽ giúp chỉ đạo và phối hợp nghiên cứu vào toàn bộ các họ mầm bệnh, một chiến lược nhằm tăng cường khả năng ứng phó nhanh chóng của thế giới với các biến chủng không lường trước, mầm bệnh mới nổi, các bệnh lây truyền từ động vật sang người vốn được gọi chung là bệnh X", tiến sĩ Richard Hatchett, giám đốc điều hành CEPI cho biết.


Chuyên gia đang giải trình tự một loại virus đường hô hấp tại Phòng Thí nghiệm Đại học Olga Kravets, Lyon, Pháp, tháng 3/2022. Ảnh: WHO

Chuyên gia đang giải trình tự một loại virus đường hô hấp tại Phòng Thí nghiệm Đại học Olga Kravets, Lyon, Pháp, tháng 3/2022. Ảnh: WHO

Báo cáo của tổ chức có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học từ hơn 50 quốc gia. Họ đã đánh giá bằng chứng khoa học về 28 họ virus và một nhóm vi khuẩn cốt lõi, gồm 1.652 mầm bệnh. Họ xác định nguy cơ đại dịch bằng cách xem xét thông tin có sẵn về mô hình lây truyền, động lực và mức độ tiện lợi của các xét nghiệm chẩn đoán, vaccine và phương pháp điều trị hiện có.

Đồng thời, CEPI và WHO kêu gọi phối hợp nghiên cứu toàn cầu để chuẩn bị cho các đại dịch tiềm tàng.

"Lịch sử dạy chúng ta rằng đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ đến, chỉ là đến vào lúc nào mà thôi. Lịch sử dụng dạy ta về tầm quan trọng của khoa học và quyết tâm chính trị trong việc làm giảm tác động của đại dịch", tiến sĩ Tedros cho biết.

Để tại điều kiện thuận lợi cho việc này, WHO đang thu hút các tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới, thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Mở Hợp tác (CORC) cho mỗi mầm bệnh. Các CORC được phân bố khắp thế giới, kết nối các nhà nghiên cứu, nhà tài trợ, chuyên gia với mục đích thúc đẩy sự hợp tác và tham gia công bằng của các nước.

Bài viết liên quan