2021-10-01 15:50:24
Để trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh, các mẹ bỉm sữa cần phải trang bị cho mình kiến thức bổ ích liên quan đến nhu cầu bú sữa của con. Và chắc hẳn không phải bà mẹ trẻ nào cũng thuộc lòng được hết chúng, bài viết sau đây xin phép tổng hợp lại những mẹo nhỏ cho các mẹ mong con tăng cân khi bú sữa mẹ.
Thời gian bú sữa mẹ của trẻ sơ sinh phải đủ
Trong tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ từ 8-12 lần/ngày. Khi sữa chưa về đầy đủ, mẹ cần cho con bú theo nhu cầu, tức là khi bé đói. Thông thường, khoảng thời gian để trẻ cảm nhận được cơn đói là 1 giờ rưỡi tới 3 giờ.
Đối với những bé lớn hơn, khi đã hình thành lịch bú ổn định thì con có thể chịu đói được trong khoảng 4 giờ đồng hồ, tuy nhiên đến giai đoạn này mẹ không nên để bé nhịn lâu hơn, kể cả ban đêm. Khi trẻ được 1 – 2 tháng tuổi sẽ thường bú từ 7-9 lần/ngày. Việc cho bé bú thường xuyên cũng giúp kích thích sản xuất sữa trong những tuần đầu sau sinh của mẹ.
Khoảng cách giữa các cữ bú được tính bằng thời gian từ khi bắt đầu cữ bú trước tới khi bắt đầu cữ bú sau, thông thường khoảng cách giữa các cữ bú cách nhau 2-3 giờ.
Về thời gian bú, bình thường với trẻ đủ lớn thường bú mẹ hiệu quả hơn và cần 5-10 phút cho mỗi bên, trong khi bé sơ sinh thường cần tới 20 phút cho mỗi bên. Nếu mẹ cho con bú chừng 15 phút lại chuyển sang bầu vú bên kia cho bú nghĩa là con sẽ chỉ bú được lượng sữa ban đầu loãng như nước.
Cho bé bú đủ
Nguồn thức ăn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vậy nên mẹ cần cho bé bú đều đặn trong ngày. Để có thể biết được con đã bú đủ hay chưa, mẹ có thể kiểm tra sau mỗi lần bú, bé có vui vẻ thỏa mãn hay không. Nếu bé hay quấy khóc, đòi bú thường xuyên, đi tiểu ít, thời gian bú dài rồi sau đó bỏ bú, không thích bú thì có khả năng bé bú chưa đủ.
Thông thường trẻ sơ sinh cần bú khoảng 500 – 600ml sữa mỗi ngày. Và mỗi giai đoạn khác nhau, nhu cầu sữa trẻ cần sẽ thay đổi:
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể dùng công thức sau để tính lượng sữa cần cho con mình: 150ml sữa/kg/ngày. Khi bé đã trên 6 tháng tuổi, tùy thuộc vào khẩu phần ăn hàng ngày của bé để tính lượng sữa sao cho phù hợp.
Cho bé ngủ đủ
Em bé ngay từ khi chào đời sẽ ngủ liên tục khoảng từ 16-18 tiếng/ngày, bé chỉ thức khi ăn và khi đi vệ sinh. Sở dĩ, sự phát triển của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu diễn ra rất nhanh chóng cũng chính là nhờ giấc ngủ, hay nói cách khác trẻ lớn lên khi ngủ.
Nhiều bà mẹ bỉm sữa cho rằng trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày sẽ giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm. Điều này hoàn toàn không đúng, vì khi thiếu ngủ hay ngủ không đủ giấc sẽ khiến cho con khó chịu, trở nên quấy khóc và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Khi lớn hơn, thời gian ngủ của bé cũng sẽ giảm đi nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cho con ngủ đủ giấc và đúng giờ. Đặc biệt là vào buổi tối, không cho trẻ thức quá muộn vì ngủ muộn sẽ làm cho tuyến yên không tiết ra hormone tăng trưởng, dẫn đến tình trạng bé chậm lớn, chậm tăng cân hơn.
Khuyến khích con vận động
Mẹ chớ lo ngại khi bé yêu quá mê trườn, bò hay lúc lắc mọi món đồ trong tay. Vận động nhiều sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của bé, giúp bé mau cảm thấy đói và giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Mẹ có thể cùng con tập thể dục mỗi ngày để cùng luyện tập thể dục.
Massage cho trẻ sơ sinh
Massage ở trẻ nhỏ giúp kích thích tất cả các dây thần kinh được đi qua đường tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột, bởi thế sẽ làm lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Việc massage thường xuyên sẽ giúp trẻ tiêu hóa được nhanh hơn, tăng về cảm giác thèm ăn của trẻ giúp trẻ lên cân được tốt và nhanh chóng hơn.
Khi trẻ được massage, xoa bóp thường xuyên sẽ giúp cho các cơ quan trở nên săn chắc, dẻo dai và khỏe mạnh hơn. Và ngoài ra, với việc massage tại vùng bụng của trẻ sơ sinh mỗi ngày sẽ giúp trẻ dễ dàng tiêu hóa hơn, hạn chế tối đa bị rối loạn tiêu hóa hay bị đầy bụng thường hay gặp ở trẻ nhỏ.
Cho bé nghe nhạc
Theo nhiều nghiên cứu, nhạc cổ điển mà cụ thể là nhạc Mozart, không chỉ có khả năng kích thích sự phát triển não bộ ở các bé mà còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển thể chất, hoàn thiện cân nặng cho các bé bị sinh non hay nhẹ cân bắt kịp đà tăng trưởng.
Tiếp xúc da kề da với bé
Như nhiều mẹ đã được biết, việc tiếp xúc da kề da với bé chỉ sau 1 giờ sau sinh sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé nhanh chóng được phục hồi về trạng thái cân bằng. Kích hoạt dây thần kinh phế vị, giúp tăng kích thước các vi mao trong lòng ruột bé sơ sinh. Từ đó, giúp cho diện tích bề mặt ruột tăng và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện.
Tiếp xúc da kề da cũng làm giảm hàm lượng cortisol và somatostatin (hormon ức chế hormone tăng trưởng) ở trẻ, tạo điều kiện cho bé hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn và bé sẽ tăng cân nhanh hơn. Ngoài ra, việc tiếp xúc da kề da sẽ kích thích bé bú sữa mẹ thường xuyên hơn cũng như kích thích mẹ tạo ra được nhiều sữa hơn.
Do đó, việc tiếp da có thể thực hiện bằng cách “tiếp xúc da” nhiều lần trong ngày, mẹ để ngực trần chơi với con, cố gắng tiếp xúc bầu vú với con, cho con “ngửi” mùi mẹ. Mẹ có thể lựa chọn hoạt động có thể cho hai mẹ con “tiếp xúc da” đó là mẹ chơi với con trên sàn, để ngực trần (không mặc áo). Đối với bé nhỏ hơn 3 tháng thì mẹ có thể dùng địu, mẹ để ngực trần, quấn con (chỉ mặc tã) sau đó có thể mặc thêm áo rộng nếu trời lạnh.
Việc da tiếp da của hai mẹ con này rất quan trọng trong việc kích thích các giác quan của trẻ, được gần gũi với mẹ, ngửi mùi của mẹ, tiếp xúc với mẹ, cảm thấy sự tin cậy và yên tâm. Càng dành thời gian gần gũi với con, mẹ càng tạo được sự tin cậy nơi con.. Hơn nữa, việc tiếp da với con sẽ kích thích sản sinh oxytocin làm cho phản xạ xuống sữa (let-down reflex) của mẹ thuận lợi hơn.
Vắt sữa sau khi cho con bú
Nếu mẹ thực sự thiếu sữa, mẹ sẽ kích sữa thêm sau mỗi cữ bé bú trực tiếp (hút ngay sau khi bé bú hay sau bé bú 1 giờ). Điều này giúp cơ thể hiểu là thiếu sữa và sẽ sản xuất sữa thêm. Vắt sữa để duy trì việc tiết sữa, nếu mẹ vì một lý do nào đó không thể cho con bú như mẹ đang phải dùng kháng sinh hoặc đi công tác, mẹ bị thiếu sữa, mẹ nên vắt sữa từ 8 đến 10 lần mỗi ngày.
Mẹ không cần thường xuyên vắt hết sữa thừa sau khi cho con bú. Cơ thể người mẹ cho con bú sản sinh sữa theo nhu cầu của trẻ. Nếu mẹ cho con bú theo nhu cầu, tức là cho bú mỗi khi bé đòi ăn, thì mẹ sẽ chẳng còn cơ hội để vắt sữa thừa. Nhưng đôi khi cũng có thể phát sinh những tình huống mà bạn nhất thiết phải vắt sữa.
Nếu sữa “về” nhiều hơn lượng sữa bé có thể bú vào thời điểm đó. Trường hợp này thường xảy ra trong hai tháng đầu sau khi sinh, khi việc tiết sữa còn chưa được ổn định. Chẳng hạn 4 – 5 ngày sau khi sinh, sữa có thể về ồ ạt khiến ngực bạn căng nhức, thậm chí có thể phát sốt. Lúc này dùng máy hút sữa để lấy hết phần sữa thừa ra là tốt nhất.
Nhưng lưu ý là không cần phải vắt đến giọt sữa cuối cùng mà chỉ cần vắt cho đến khi nào mẹ cảm thấy dễ chịu. Nếu vắt sữa đến mức “cạn kiệt” thì sữa sẽ về ngày càng nhiều, dẫn đến hiện tượng tiết sữa quá mức (dư thừa sữa).
Thực hiện ép vú trong khi bé đang bú
Khi em bé đang bú, mẹ hãy dùng tay bóp vú để sữa chảy ra nhanh hơn, nhiều hơn sau mỗi lần bú. Ép bầu vú (breast compression) khi cho bé bú là động tác dùng ngón cái đặt lên phần trên của bầu vú, các ngón tay nằm dưới bầu vú nhẹ nhàng “ép” (nặn) xuống khi bé đang bú. Cố gắng không để tay sát phần quầng thâm và núm vú vì như thế sẽ làm gián đoạn khớp ngậm của con.
Mẹ thực hiện điều này khi bé ngậm vú đúng và sâu, cơ thể bé ở vị trí đúng (tai-vai-hông thẳng hàng). Động tác này sẽ giúp tạo áp lực lên các tuyến sữa giúp kích thích sữa ra nhiều hơn, đồng thời tạo điều kiện cho phản xạ xuống sữa được dễ dàng hơn.
Mẹ có thể bắt đầu thực hiện động tác ép bầu vú khi bé đã bắt đầu ngậm mút vú và nuốt. Động tác này có thể làm thường xuyên trong các cữ bú, dừng lại để nghỉ ngơi khi mẹ thấy mỏi tay và sau đó tiếp tục làm kể cả khi sữa đã xuống. Lưu ý không ép mạnh quá sẽ gây cảm giác khó chịu hoặc đau đớn cho mẹ.
Tuy nhiên, mẹ không nên thực hiện động tác này liên tục, tức là bóp/ấn liên tục không nghỉ vì vừa làm mẹ đau tay vừa không đem lại hiệu quả như ý.
Trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh cần chú ý dinh dưỡng cho mẹ
Để trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh, mẹ cần chú trọng đến chất lượng sữa của mình thông qua việc chú ý đến nguồn dinh dưỡng nạp vào hằng ngày. Để đảm bảo dinh dưỡng cho sữa mẹ, mẹ nên bổ sung những nhóm thực phẩm quan trọng bao gồm:
Bổ sung protein
Thịt, cá là nguồn thực phẩm giàu hàm lượng i-ốt cũng như giàu đạm, cung cấp nhiều DHA cho hai mẹ con. Mẹ nên ăn thêm cá 1 đến 2 lần mỗi bữa trong tuần, bên cạnh đó, tăng cường thịt để đủ dinh dưỡng chất đạm, protein cho cả mẹ và bé.
Bổ sung canxi
Bên cạnh việc bổ sung canxi cho chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ, mẹ cũng nên lưu ý uống thêm sữa uống cho mình, vì đây là nguồn canxi và dưỡng chất lớn, cần chú trọng tại thời điểm ngay sau sinh, tăng cường canxi cho hệ xương của con phát triển và tránh loãng xương cho mẹ sau này.
Cà rốt
Thực tế, uống một cốc nước cà rốt ép mỗi sáng hay bổ sung cùng thực đơn trưa sẽ giúp nguồn sữa mẹ thơm và mát hơn. Hàm lượng cao vitamin A có trong cà rốt cũng góp phần tăng cao chất lượng của sữa mẹ, làm mát nguồn sữa mẹ, con tránh bị nóng trong, nổi mẩn.
Thì là
Ít ai biết rằng thì là có công dụng tuyệt vời trong tác dụng lợi sữa cho mẹ. Sử dụng thì là không chỉ giúp lượng sữa tiết ra nhiều hơn mà còn giúp mùi vị của sữa mẹ thơm ngon, kích thích bé bú lâu hơn. Với thì là, mẹ được khuyên sử dụng thường xuyên trong quá trình cho bé bú bằng các cách chế biến như sao khô để pha trà hoặc dùng nêm các loại canh, cháo.
Rau ngót
Rau ngót giàu dinh dưỡng mang lại giá trị cao tác động nguồn sữa, chẳng hạn cung cấp: canxi, protein, phốt pho, chất béo, các loại vitamin, chất sắt. Lá rau ngót mang công dụng giúp thông sữa thời điểm sau sinh cho mẹ, còn giúp chữa lành vết loét, làm hạ sốt, đặc biệt rau ngót tác động làm sạch phần sót nhau, hay phần máu bẩn còn lại sau khi mẹ sinh.
Bổ sung nước
Nước là thành phần quan trọng tất yếu không chỉ với riêng mẹ bỉm sữa. Để đảm bảo đủ nước cho cơ thể mẹ và đủ sữa cho con, mẹ cần uống 8 – 10 cốc mỗi ngày, tương đương với 2 lít nước.
Mẹ có thể thay đổi khẩu vị của mình với nước gạo lứt. Gạo lứt không chỉ thơm ngon mà còn là thực phẩm có chứa nhiều vitamin B và có thể được dùng kết hợp để chữa bệnh. Với hàm lượng các chất vi lượng như magie, natri… cao, gạo lứt còn là sự lựa chọn hợp lý cho mẹ khi đang băn khoăn ăn gì để sữa mẹ thơm và mát hơn. Mẹ rang thơm gạo lứt và trữ trong hũ kín để dùng dần. Mỗi khi dùng, mẹ lấy 50g gạo lứt, nấu cùng 2 đến 3 lít nước để uống dần.
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo bài thuốc với lá cây bồ công anh với tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm mát gan. Lá cây bồ công anh rất dồi dào protein, cùng những khoáng chất như canxi, sắt, vitamin A, vitamin C, các loại vitamin thuộc nhóm B, qua đó giúp cho sữa mẹ đặc, chứa nhiều hơn các chất dinh dưỡng và giúp bé nhà mình tăng cân nhanh hơn đó. Đã có rất nhiều mẹ sau sinh áp dụng thành công với bài thuốc này bằng cách phơi khô pha với nước để uống.
Bổ sung rau xanh, trái cây
Mẹ nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và cả ngũ cốc trong mỗi bữa ăn, vì những loại thực phẩm đó đều chứa các thành phần có nguồn dinh dưỡng thiết yếu và hỗ trợ vitamin, chất xơ dồi dào đối với cơ thể.
Những loại rau điển hình trong tác dụng cải thiện chất lượng sữa mẹ như là cà rốt, thì là, rau ngót, lá đinh lăng, bí đỏ.
Lá đinh lăng
Lá đinh lăng có nhiều tác dụng: không chỉ gọi sữa về dồi dào hơn, giảm căng tức, một giải pháp khi mẹ tắc tia sữa, đây còn là cách để mẹ tăng chất lượng nguồn sữa cho bé. Sữa mẹ sẽ đặc hơn, thơm hơn kích thích bé thích bú mẹ lâu hơn. Một lưu ý cho mẹ đó là không nên sử dụng lá đinh lăng trong một thời gian dài, do có thể gây tình trạng mất sữa.
Bí ngô
Bí ngô có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào mỗi ngày. Thực đơn có bí ngô thường xuyên sẽ giúp sữa mẹ đặc hơn và thơm mát hơn hẳn. Đặc biệt, đây là giải pháp tuyệt vời khi mẹ đã cảm thấy chán khi dùng các loại sữa bột.
Ngoài ra, có một số loại thực phẩm như: khoai lang, rau khoai lang, nước vừng đen, cháo/canh đu đủ xanh…. mẹ có thể bổ sung và làm đa dạng hơn khẩu phần ăn hàng ngày giúp sữa mẹ đặc mát, con tăng cân.
Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng trẻ vô cùng kinh tế và tiện lợi vì sữa mẹ luôn sẵn có. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp mẹ có thêm kiến thức trong việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp con tăng cân, phát triển toàn diện.