2024-10-10 09:07:36
Các chủng cúm độc lực cao như A/H5N1, A/H7N9, A/H1N1 nguồn gốc từ chim, lợn, gia cầm, có thể gây bệnh nặng trên người, cần theo dõi, phòng ngừa chặt chẽ.
A/H5N1
H5N1 còn gọi là cúm gia cầm, khi lây nhiễm trên người gây tỷ lệ tử vong lên đến 60%. Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê từ 2003 đến nay ghi nhận 128 ca nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 50,8%.
Khi nhiễm cúm gia cầm, triệu chứng thường gặp gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ... Một số bệnh nhân có thêm triệu chứng như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân trở nặng nhanh, dẫn tới các biến chứng như tổn thương hệ hô hấp (bội nhiễm phế quản - phổi, viêm phổi, bội nhiễm tai mũi họng), suy đa tạng, suy giảm hệ miễn dịch.
A/H7N9
H7N9 là loại virus khác gây cúm gia cầm và động vật. Năm 2017, virus được phân loại là chủng có độc lực cao do ghi nhận ca bệnh trên người và khiến nhiều con vật chết.
Hiện Việt Nam chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 cả ở gia cầm và người. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng đánh giá H7N9 nằm trong nhóm ba chủng cúm thường lây nhiễm trên người, tiếp tục khuyến cáo người dân tăng phòng bệnh bằng nhiều biện pháp.
Bác sĩ cho biết virus A/H7N9 lây nhiễm chủ yếu qua thịt, ruột, trứng của gia cầm, không khí, chất thải, thức ăn, nước... Virus này có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản và chất tiết của đường hô hấp như nước mắt, nước mũi, nước bọt.
Khi lây sang người, virus H7N9 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
A/H1N1
Chủng cúm A/H1N1 từng gây đại dịch cúm vào năm 2009, đến nay là một trong những chủng gây bệnh cúm mùa. Virus này đôi khi được gọi là cúm lợn do ban đầu chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn.
Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1 hoặc A/H7N9, những người nhiễm cúm A/H1N1 cũng có thể bị bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng, tử vong.
Theo bác sĩ , đường lây nhiễm của virus này thường qua không khí, tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp với người bệnh. Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường như sống từ 24-48 tiếng trên các bề mặt bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang. Ở môi trường nước nhiệt độ khoảng 22 độ C, virus có thể sống được đến 4 ngày và đến 30 ngày ở 0 độ C. Một người bị nhiễm cúm H1N1 có thể lây cho 7 người thông qua việc ho, hắt hơi, sổ mũi...
A/H3N2
Cúm A/H3N2 từng gây ra đại dịch vào năm 1868 trên thế giới. Năm 1968, virus này được xác định nguồn gốc từ chim hoang dã ở Mỹ và Australia.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), H3N2 là loại virus cúm theo mùa. Tuy nhiên, virus cúm này có thể gây ra các đột biến khác nhau và gây ra nhiều đợt dịch nghiêm trọng tại Mỹ.
Các triệu chứng của cúm H3N2 gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau họng, sổ mũi. Bệnh có thể tự khỏi, song có thể biến chứng trên người thể trạng yếu như đối tượng trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Cục Y tế dự phòng, thời tiết mùa xuân và mùa đông tạo điều kiện cho virus cúm A phát triển và lây lan trong cộng đồng. Các chủng H5N1 và H7N9 có độc lực cao nhưng hiện chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Gia đình đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Người kinh doanh, hộ chăn nuôi không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện con vật ốm, chết, không giết mổ, cần báo ngay cho chính quyền địa phương. Nếu có biểu hiện cúm, sốt, ho, đau ngực... liên quan gia cầm, cần đến ngay cơ sở y tế để tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Chính khuyến cáo mọi người nên tiêm ngừa cúm hàng năm, bên cạnh rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe. Vaccine chưa giúp phòng các chủng cúm có độc lực cao, tuy nhiên giảm nguy cơ đồng nhiễm, tử vong do chủng khác.
Việt Nam đang có các loại vaccine phòng bốn chủng cúm gồm A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria dành cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm vaccine cúm của người lớn gồm hai mũi đầu cách nhau một tháng, sau đó sẽ tiêm mũi nhắc hàng năm để có hệ miễn dịch tốt nhất.