Ba năm trước, bà Hà, 55 tuổi, ở Hà Nội, phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Bà từ chối điều trị tại tuyến trên, về cơ sở y tế địa phương theo dõi. Tháng 5, bác sĩ xác định ung thư di căn xương, phải phẫu thuật biến chứng tắc ruột, tiên lượng chỉ còn sống một tháng.
Thời gian này, bà được bác sĩ chỉ định sử dụng morphine để giảm đau, nhưng bệnh viện không có thuốc để cấp. Gia đình được giải thích rằng morphine được ưu tiên cho những bệnh nhân còn khả năng lao động, có thể cứu chữa hoặc tiên lượng thời gian sống dài hơn.
Chị Hân - con dâu bà - kể: "Mẹ chồng tôi ra viện và không có một liều morphine nào được kê khi đó". Thương mẹ, các con bà Hà liên hệ khắp nơi hỏi xin và mua morphine, cuối cùng được người quen tặng vài liều giúp bà chống chọi đau đớn khi bệnh trở nặng. Sợ không đủ dùng, chị Hân tiếp tục lên mạng tìm kiếm các hội nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư và mua bán morphine để dự trữ.
Khi hỏi mua, một người đồng ý bán giá 50.000 đồng/ống morphine, với điều kiện phải mua từ 50 ống trở lên. Chị Hân nài nỉ được mua lẻ 10 ống, người này đồng ý thỏa thuận với giá mỗi ống 60.000 đồng. Cùng thời điểm đó, chị còn được một bệnh nhân ung thư khác giới thiệu địa chỉ mua thuốc ở Quảng Ninh, giá hơn một triệu đồng cho hộp 25 ống. Chị Hân đồng ý mức giá này. Một lúc sau, người này liên hệ lại và báo còn hàng nhưng chỉ bán nếu người mua chịu giá gấp đôi, tức khoảng gần ba triệu đồng cho 25 ống morphine kèm phí vận chuyển. Thấy giá quá đắt, chị Hân bèn chọn mua thuốc với mức giá 60.000 đồng/ống ở nơi bán ban đầu, hẹn giao và thanh toán vào hôm sau. Tuy nhiên, đến sáng, bà Hà qua đời khi thuốc chưa kịp giao đến.
Cũng tìm mua morphine cho mẹ uống giảm đau, chị Linh, ở Hà Nội, nói như "lạc vào ma trận" vì loạn giá. Mẹ chị mắc ung thư dạ dày, vừa phẫu thuật. Vết mổ dài, người bệnh đau đớn, dùng thuốc giảm đau được bác sĩ kê toa không có tác dụng. Chị Linh ra hiệu thuốc hỏi, song đều bị từ chối, "nói đây là thuốc kê đơn, không bán tùy tiện". Chị lên mạng tìm mua morphine dạng tiêm, nghĩ "đỡ đau ngày nào hay ngày đó". Tuy nhiên, thuốc trên mạng hầu như không rõ nguồn gốc, giá cả đắt đỏ. Chị liên hệ bác sĩ, song bác sĩ vẫn khuyến cáo chỉ nên dùng thuốc giảm đau đã kê để tránh tác dụng phụ.
Morphine là thuốc gây nghiện, theo quy định tại Thông tư số 20/2017 của Bộ Y tế. Quy trình quản lý thuốc gây nghiện được quy định chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng, báo cáo. Các bên liên quan tại mỗi khâu quản lý thuốc gây nghiện có trách nhiệm đảm bảo thực hiện theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, hiện morphine được bán với nhiều mức giá, cao chênh lệch gấp hàng chục lần. Chẳng hạn, một nhóm với hơn 200.000 thành viên rao một hộp 21 viên giá 900.000 đồng. Một số loại bán theo ống giá từ 50.000 đồng đến hơn 100.000. Mua số lượng lớn, người mua phải đặt cọc và chờ hàng trong vài tuần. Thuốc được quảng cáo là giảm đau trong ba đến 5 giờ, giúp người bệnh giảm lo âu, mất ngủ, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thực tế, trên trang tra cứu thuốc của Cục Quản lý Dược, morphine sulfat 30 mg giá hơn 7.000 đồng/viên, morphine hydroclorid hộp 25 ống hoặc 10 ống giá 7.000 đồng/ống, morphine sulfat 10 mg giá 7.000 đồng/ống.
Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết morphine là thuốc phải được bác sĩ khám, kê đơn và uống theo chỉ định, không được tự ý sử dụng. Bệnh nhân hay người nhà tự ý mua bên ngoài, tự kê đơn bốc thuốc dẫn đến tác dụng phụ trong khi có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau thông thường. Không phải bệnh nhân nào cũng có thể uống, chẳng hạn bệnh nhân tổn thương gan, thận, suy hô hấp... Một số trường hợp phải giảm liều hoặc uống kết hợp với thuốc khác. Tùy thuộc tình trạng, sức khỏe, độ tuổi của bệnh nhân, bác sĩ có chỉ định riêng biệt.
Tác dụng phụ thường gặp do dùng morphine là buồn nôn, nôn, táo bón; buồn ngủ, khô miệng, chán ăn, mệt mỏi, đau nhức người... Có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu lạm dụng.
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói rằng người bệnh thường phải dùng morphine để tạm thời giảm đau - triệu chứng lâm sàng phổ biến của ung thư, nhưng sau khi hết thuốc, cơn đau tiếp tục. Nhiều người nghĩ phải dùng thuốc mạnh để giải quyết cơn đau, nhưng theo bác sĩ Tỵ, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau thông thường, không tác dụng phụ mà vẫn hiệu quả. Quyết định dùng morphine dựa trên nhu cầu kiểm soát cơn đau chứ không phải đợi đến khi bệnh nhân cận kề cái chết. "Đây là thuốc gây nghiện, không mua bán tràn lan, phải có đơn bác sĩ và kê theo chỉ định", bác sĩ nhắc lại.
Lý giải nguyên nhân một số trường hợp không kê thuốc morphine cho bệnh nhân đang đau đớn, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết bởi thiếu morphine ở các cơ sở y tế do vướng đấu thầu, hết cơ số (hạn mức), công ty cung cấp hết thuốc, đổi nhà phân phối... Khi đó, bác sĩ thường giải quyết bằng cách cho bệnh nhân ngoại trú ngắn ngày hơn, chẳng hạn từ 10 ngày còn 5 ngày. Bệnh nhân có thể được kê thêm các thuốc giảm đau nhóm khác hoặc chỉ định nhập viện để sử dụng morphine truyền.
Khi kê đơn, các bác sĩ sẽ dựa trên mức độ lan tràn của ung thư và mức độ đau của bệnh nhân để chỉ định morphine. Người bệnh tự ý dùng morphine liều cao đột ngột rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, lâu dài thì lệ thuộc thuốc.
Về mặt quản lý, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng, Sở Y tế TP HCM, cho biết tại họp báo định kỳ tuần trước rằng do tính chất đặc thù có thể gây nghiện, morphine là thuốc được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng, báo cáo. Các nhà thuốc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có phạm vi kinh doanh thuốc gây nghiện mới được phép bán morphine.
Theo ông Nam, tính đến ngày 24/10, thành phố hiện có 20 nhà thuốc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh thuốc gây nghiện (15 nhà thuốc thuộc bệnh viện và 5 nhà thuốc tư nhân). Người chịu trách nhiệm bán lẻ thuốc gây nghiện phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược trở lên.
Hằng năm, Sở Y tế TP HCM tổ chức thanh kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc phải kiểm soát đặc biệt (bao gồm thuốc gây nghiện) của các cơ sở kinh doanh dược và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. "Do đó, việc mua bán morphine không theo các quy định trên đều là vi phạm", ông Nam nói, thêm rằng người bệnh ung thư cũng đối mặt với rủi ro vì không được bác sĩ hướng dẫn, dùng quá liều, nguy cơ thuốc giả, thuốc trôi nổi...
Thông thường, một người khi nhận tin báo mắc ung thư đều hoang mang, lo lắng, dễ bị kích động và không chấp nhận sự thật. Chưa kể, đa số người bệnh ung thư đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, 70% trường hợp bị những cơn đau giày vò đến tận cuối đời. Bác sĩ chủ yếu chăm sóc giảm nhẹ, giúp giảm đau và cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
"Lúc này, morphine cũng là một lựa chọn", bác sĩ Tỵ nói. Tuy nhiên, ông khuyên người bệnh và gia đình cần tỉnh táo khi sử dụng thuốc, mua thuốc và tìm hiểu bệnh. Hiện chuyên ngành điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ, với các phương pháp điều trị hiện đại hiệu quả như hóa chất, miễn dịch, điều trị đích. Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, tuân thủ điều trị có thể kéo dài sự sống.
Bệnh nhân ung thư có thời gian sống sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh thì được xem là điều trị khỏi, vì tế bào thường di căn nhiều trong khoảng từ hai đến ba năm đầu. Trường hợp tái phát sau 5 năm, phát hiện sớm, bệnh nhân vẫn được điều trị tốt. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên quan tâm đến sức khỏe, khám định kỳ, "biết sớm trị lành".
Thùy An - Mỹ Ý