2024-01-01 22:50:14
Dùng máy tạo độ ẩm, ngậm kẹo hoặc uống mật ong, bổ sung nhiều nước, hạn chế món ăn cay góp phần làm dịu cổ họng sau khi nôn.
Sau khi nôn bạn thường có cảm giác đau nhói bụng, đau rát và khó chịu ở cổ họng. Tình trạng nóng rát ở cổ họng có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày liền, tùy vào mức đổ tổn thương niêm mạc họng.
Khi nôn, cổ họng tiếp xúc với chất nôn chứa axit tiêu hóa mạnh và enzyme từ dạ dày dẫn đến kích ứng và viêm. Nôn càng nhiều, mức đổ tổn thương càng lớn. Trường hợp nôn ói nặng có thể gây rách mô cổ họng, kèm theo triệu chứng đau ngực, đau bụng, khó nuốt, thay đổi giọng nói, sốt.
Một số nguyên nhân gây nôn như trào ngược dạ dày thực quản, ợ chua, ợ nóng, viêm thực quản, say tàu xe, uống nhiều rượu bia. Người bị nôn có thể áp dụng một số cách dưới đây để làm dịu cổ họng.
Uống nhiều nước, nhất là nước ấm, có thể bù nước sau khi nôn. Nước ấm giữ ẩm cho mô cổ họng và tăng tốc độ chữa lành tổn thương. Ngoài nước lọc, các loại nước ấm như nước trà, nước dùng cũng giúp dung nạp tốt hơn, tránh buồn nôn.
Khi cổ họng dễ chịu hơn, mọi người nên ăn món nhẹ như bánh mì nướng, cơm, sốt táo hoặc thực phẩm xay nhuyễn, mềm khác.
Uống mật ong hoặc viên ngậm: Một trong những biện pháp tự nhiên tốt nhất để chữa đau họng là mật ong. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm có thể bao phủ cổ họng, giảm kích ứng. Một số viên ngậm hoặc kẹo cứng có thành phần mật ong cũng có tác dụng tương tự. Viên ngậm cam thảo, viêm ngâm gừng mật ong... có lợi trong kiểm soát triệu chứng đau họng.
Dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm: Máy tạo độ ẩm đặt cạnh giường ngủ có thể bổ sung độ ẩm cho không khí trong nhà. Độ ẩm tăng hỗ trợ giữ nước cho các mô cổ họng, giảm tình trạng trầy xước và kích ứng.
Súc họng bằng nước muối sau khi nôn làm sạch chất kích ứng, axit bám trên niêm mạc họng miệng. Nên mua nước muối pha sẵn ở tiệm thuốc để đảm bảo nồng độ muối an toàn, tránh làm tổn thương thêm niêm mạc.
Tránh xa các chất gây kích ứng: Thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit ảnh hưởng và có thể làm tổn thương cổ họng. Khói thuốc, đồ ăn cứng, thô cũng nên hạn chế sau khi nôn để bảo vệ cổ họng.
Người thường xuyên nôn ói, nên thay đổi lối sống, điều trị bệnh lý (nếu có) như kiểm soát trào ngược, ăn ít và chia các bữa nhỏ thay vì ăn no một bữa, hạn chế uống rượu, bia.
Cổ họng bỏng rát hoặc cảm thấy khó chịu vài giờ đến một ngày sau khi nôn là điều bình thường. Nhưng nếu cơn đau kéo dài hơn một vài ngày, kèm theo mất nước, sốt, khó chịu, người bệnh nên đi khám để điều trị.