5 thay đổi lối sống giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

2024-06-09 22:01:06

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, tuân thủ chỉ định của bác sĩ là những cách ổn định đường huyết.

Ăn uống lành mạnh

Người bệnh nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong máu. Vitamin, khoáng chất xúc tác các phản ứng cung cấp năng lượng cho cơ thể, chống oxy hóa, giảm hấp thu chất béo và cholesterol, tạo cảm giác no lâu hơn.

Thực phẩm lành mạnh như trái cây, cà chua, ớt chuông, rau lá xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám. Chất béo tốt thường có trong cá hồi, cá thu, cá ngừ; các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng; dầu ô liu... cũng có lợi cho người tiểu đường.


Rau xanh giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Ngọc Biển

Rau xanh giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh tiểu đường. 

Tập thể dục đều đặn

Thường xuyên vận động giúp giảm đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Tập thể dục còn tốt cho sức khỏe tim mạch, giữ cân nặng hợp lý, giải tỏa căng thẳng. Các môn thể thao phù hợp như đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội, tập gym, yoga... Người lớn nên vận động nhẹ nhàng và duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Lạc quan

Căng thẳng, lo lắng làm tăng lượng đường trong máu. Giảm áp lực công việc, hít thở sâu, tập yoga, đi bộ, đọc sách và bất cứ hoạt động thư giãn nào tốt cho tinh thần đều hỗ trợ kiểm soát đường huyết.

Bỏ thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn

Nicotine trong thuốc lá làm tổn thương mạch máu và cơ thể. Hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá thụ động. Người hút thuốc nên cai hút.

Đồ uống có cồn chứa hàm lượng carbohydrate cao tác động tới đường huyết, làm tổn thương mạch máu và hệ thần kinh, ảnh hưởng xấu đến gan, não. Người bị tiểu đường hạn chế tối đa bia rượu.

Khám sức khỏe, dùng thuốc theo chỉ định

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến một năm mỗi lần để nhận biết sớm bất thường đường huyết. Người bệnh tiểu đường cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, học cách tự theo dõi đường huyết tại nhà, đi khám khi có bất thường. Khi bàn chân có vết sưng tấy hoặc vết thương không lành, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa ngay. Điều trị bằng thuốc và thực hiện thay đổi lối sống có thể hạn chế biến chứng tiểu đường ở tim mạch, thận, mắt, bàn chân... Giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng là việc cần thiết.

Bài viết liên quan