Hội chứng sợ thứ Hai

2023-04-03 11:54:42

Nghiên cứu tại Mỹ phát hiện nhiều nhân viên trải qua nỗi sợ hãi ngày đầu tuần, gọi là Hội chứng chán ghét thứ Hai.

Đó là cảm giác chán nản, uể oải, thậm chí sợ hãi, lo lắng vì phải đi làm sau hai ngày nghỉ, theo nghiên cứu do giáo sư Ilke Inceoglu, Đại học Exeter, thực hiện. Khảo sát của Cơ quan Cải thiện Sức khỏe và Chênh lệch (OHID) cũng cho thấy nỗi sợ ngày thứ hai thực sự tồn tại và ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Không phải ai cũng có thể thay đổi lịch trình hoặc công việc để khiến thứ hai trở nên hứng thú hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia chia sẻ cách lập trình lại bộ não, giúp mọi người có thêm suy nghĩ tích cực về ngày thứ hai.

Bộ não con người thường ưa chuộng những gì dễ đoán, theo thói quen. Nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu thói quen có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe và tâm lý căng thẳng. Cuối tuần là khoảng thời gian nhàn nhã và dễ chịu, bộ não vẫn phải làm việc chăm chỉ để thích nghi với sự thay đổi đột ngột này.

Tin tốt là bộ não không cần phải làm việc quá nhiều để thích nghi với sự tự do vào ngày cuối tuần. Nhưng cơ quan này sẽ chật vật ứng phó khi chúng ta quay trở lại các hoạt động ít thú vị hơn, chẳng hạn như danh sách dài công việc cần làm vào sáng thứ hai.

Một cách để thích nghi với sự thay đổi này là duy trì các thói quen cả tuần, có khả năng làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, chẳng hạn xem chương trình tivi yêu thích, làm vườn hoặc tập gym. Làm những việc này vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ hữu ích cho bộ não.

Thói quen ngủ của bạn cũng rất quan trọng. Nghiên cứu cho thấy duy trì thời lượng và chất lượng giấc ngủ nhất quán sẽ giúp bạn tận hưởng ngày thứ hai "đáng ghét".

Những thay đổi về giấc ngủ trong ngày cuối tuần gây ra hiện tượng lệch múi giờ xã hội, tức chênh lệch giữa đồng hồ sinh học của bạn với giờ giấc sinh hoạt ngoài xã hội. Ví dụ, ngủ muộn hơn bình thường và lâu hơn vào những ngày rảnh rỗi có thể làm lệch đồng hồ sinh học. Điều này dẫn đến mức độ căng thẳng cao hơn khi bạn trở lại làm việc vào sáng thứ hai.

Để khắc phục hiện tượng này, bạn cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh ngủ ngày. Bạn cũng có thể tạo thói quen thư giãn 30 phút trước khi ngủ bằng cách tắt các thiết bị kỹ thuật số và thực hành thư giãn như thiền, chánh niệm.


Người lao động thường có cảm giác mệt mỏi, chán nản vào ngày thứ Hai đầu tuần. Ảnh: Freepik

Nhiều nhân viên thường có cảm giác mệt mỏi, chán nản vào ngày thứ hai. 

Nội tiết tố (hormone) cũng đóng vai trò trong cách chúng ta cảm nhận về ngày thứ hai. Ví dụ, cortisol, một hormone đa chức năng, giúp cơ thể kiểm soát quá trình trao đổi chất, điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức dậy cũng như phản ứng chống lại stress. Loại hormone này thường được giải phóng khoảng một giờ trước khi con người thức dậy, giúp cảm thấy tỉnh táo. Sau đó, nồng độ của nó giảm xuống cho đến sáng hôm sau trừ khi chúng ta bị căng thẳng.

Khi bị căng thẳng nghiêm trọng, để ứng phó, cơ thể không chỉ tiết ra cortisol mà còn cả adrenaline, một loại hormone tiêu cực khác. Khi ấy tim đập nhanh, lòng bàn tay đẫm mồ hôi và có thể khiến bạn phản ứng bốc đồng. Đây cũng là lúc hạch hạnh nhân (một khu vực nhỏ ở đáy não) chiếm quyền điều khiển não và tạo ra phản ứng cảm xúc cực nhanh đối với căng thẳng, ngay cả trước khi bộ não có thể xử lý và suy nghĩ liệu nó có cần thiết hay không. Đó là cuộc chiến không ngừng giữa cảm xúc và lý trí, có thể làm khiến chúng ta bật dậy vào nửa đêm khi quá căng thẳng hoặc lo lắng.

Nồng độ cortisol, được đo trong mẫu nước bọt của người làm việc toàn thời gian, giảm xuống mức thấp nhất vào chủ nhật, có xu hướng cao hơn vào thứ hai và thứ ba.

Là một loại hormone ứng phó căng thẳng, cortisol dao động với nồng độ khác nhau trong mỗi ngày. Vào những ngày trong tuần, ngay sau khi chúng ta thức dậy, nồng độ cortisol tăng cao và các dao động về nồng độ của nó có xu hướng mạnh hơn vào cuối tuần.

Để chống lại sự dao động thất thường của nồng độ cortisol, chúng ta cần đánh lừa hạch hạnh nhân bằng cách huấn luyện bộ não nhận diện các mối đe dọa thực tế. Nói cách khác, chúng ta cần kích hoạt vỏ não trước trán càng nhanh càng tốt.

Một trong những cách hiệu quả nhất giúp bạn làm được điều đó và giảm căng thẳng tổng thể là các hoạt động thư giãn, đặc biệt là vào thứ hai. Sự tỉnh thức (chánh niệm), tức tập trung vào giây phút hiện tại, có thể giúp giảm nồng độ cortisol. Hòa mình vào thiên nhiên là một giải pháp khác cho vấn đề này. Bạn hãy đi ra ngoài trời vào sáng thứ hai hoặc thậm chí trong giờ ăn trưa của ngày này.

Hãy dành thời gian thư giãn trước khi kiểm tra điện thoại, mạng xã hội và tin tức. Trước khi bạn tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài, nên đợi nồng độ cortisol giảm xuống một cách tự nhiên, thường là khoảng một giờ sau khi thức dậy.

Bằng cách thực hiện những lời khuyên đơn giản trên, bạn có thể huấn luyện bộ não cảm nhận rằng các ngày làm việc trong tuần có thể "dễ thở" gần giống như ngày cuối tuần.

 (Theo Conversation)

Bài viết liên quan