Đái tháo đường - thủ phạm hàng đầu gây suy thận, đột quỵ

2024-05-09 06:58:13

Số ca đái tháo đường đang tăng nhanh, trẻ hóa, bệnh không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, đột quỵ, mù mắt.

"Người bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ, có những trường hợp 20-30 tuổi, thay vì thường gặp ở tuổi trung niên như trước", bác sĩ Nguyễn Thị Yến Ngân, nói tại buổi tư vấn sức khỏe cộng đồng do Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM tổ chức, ngày 7/5, thêm rằng đây là hậu quả của thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động.

Đái tháo đường là bệnh chuyển hóa, đặc trưng bằng sự gia tăng đường huyết. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Trong đó, 55% số ca xuất hiện biến chứng.

Bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết có thể gặp những biến chứng cấp tính như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết, dễ dẫn đến tử vong. Trong đó, biến chứng hạ đường huyết khá thường gặp, xảy ra khi đường huyết dưới 70 mg/dl (3.9 mmol/l), với triệu chứng mệt, đói lả, vã mồ hôi, run tay chân, hồi hộp, kích thích lơ mơ. Người bệnh có thể té ngã, hôn mê, nếu không được xử trí kịp thời.

Sự không ổn định đường huyết lâu dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải dùng phương pháp thay thế như lọc thận suốt đời hoặc ghép thận. Không kiểm soát tốt đường huyết còn là thủ phạm gây mù do biến chứng võng mạc, gây viêm dây thần kinh với các triệu chứng như dị cảm, tê nhức, đau...


Đo đường huyết. Ảnh: drexcomedical
 

Đo đường huyết. 

Bệnh nhân đái tháo đường lâu năm cũng dễ gặp biến chứng liên quan mạch máu lớn, dẫn đến đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, bệnh mạch máu ngoại biên... Nguy cơ mắc những biến chứng này ở người bệnh đái tháo đường cao gấp 2-4 lần so với người bình thường.

Điều trị đái tháo đường bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Dinh dưỡng cũng là một nền tảng quan trọng để kiểm soát đường huyết ổn định. Chế độ ăn hợp lý, an toàn có thể giúp cho bệnh nhân đái tháo đường giảm các biến chứng, hạn chế dùng thuốc, tránh kiệt sức vì kiêng khem quá mức và từ đó có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống lâu dài.

Dinh dưỡng hợp lý

Bác sĩ Ngân lưu ý những nguyên tắc chính trong dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường, gồm:

Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế nhóm tinh bột đúng cách. Ăn đúng giờ, không được bỏ cử.

Ăn đủ 3 bữa chính và 1-3 bữa phụ. Đặc biệt, lưu ý bữa ăn phụ trước khi đi ngủ đối với bệnh nhân có tiêm insulin để tránh hạ đường huyết ban đêm. Có thể áp dụng thứ tự dùng thực phẩm trong bữa ăn như sau: rau, thịt/cá và cuối cùng là tinh bột nhằm tạo cảm giác no, từ đó giảm đi lượng bột đường tiêu thụ trong mỗi bữa ăn.

Số lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn hợp lý. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp, như các loại rau xanh. Một số thực phẩm có điểm GI dưới 55 được khuyến cáo có lợi cho đường huyết là mận, ổi, bưởi, táo, nho, cam, quýt, lê, kiwi hoặc các loại tinh bột như khoai mì, khoai môn, khoai sọ, yến mạch, bắp, nui, mì trứng, bún, phở...

Một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thực phẩm GI cao, trung bình, thấp, rất thấp. Ảnh: Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM

Một số thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, trung bình, thấp, rất thấp. Ảnh: Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM

Người bệnh đái tháo đường có thể làm quen với chất xơ (rau xanh, trái cây), là nhóm thực phẩm có số calo thấp, nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào cho hoạt động của cơ thể. Bổ sung chất xơ trong bữa ăn chính và bữa ăn phụ giúp cảm thấy no lâu, làm chậm hấp thu đường vào máu, có thể cải thiện được chỉ số đường huyết sau ăn.

Thức ăn chế biến đơn giản, hạn chế chiên xào, nướng, hầm hoặc xay nhuyễn là lựa chọn tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong máu, mỡ máu và huyết áp. Điều quan trọng là phải hạn chế các loại thức ăn và đồ uống có tác động tiêu cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu, chẳng hạn như đồ uống có đường, thực phẩm có đường, thực phẩm chế biến sẵn, kẹo, mứt, chè, bia rượu, nước ép trái cây... Hạn chế rượu bia, thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình hoặc cao như gạo nếp, bột nếp, bánh mì, khoai tây...

Tập thói quen đọc nhãn thực phẩm. Nên mua những sản phẩm có ghi "không bổ sung đường", "không đường", "ít đường", "sugar free" hoặc "no added sugar" hoặc "light".

Ngoài ra, duy trì vận động đều đặn mỗi ngày từ 30 phút trở lên để cơ thể năng động, giúp thuốc có tác dụng tốt và lượng đường huyết ổn định.

Bài viết liên quan