2024-04-17 17:34:30
TP HCM - Nam thanh niên 20 tuổi, mắc bệnh tiểu đường 5 năm nhưng chủ quan, đến khi bị khó thở đến viện khám kiểm tra huyết áp tăng lên 160/90 mmHg.
Đọc kết quả, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP HCM, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, phê bình người bệnh thiếu hiểu biết, bị tiểu đường type 1 từ năm 15 tuổi phải phụ thuộc insulin nhưng không điều trị. Đến nay, bệnh tiểu đường đã làm cứng các mạch máu lớn dẫn máu đi nuôi cơ thể, gây tình trạng cao huyết áp.
"Nếu không điều trị, bệnh nhân có nguy cơ suy tim, đột tử", bác sĩ nói, hướng dẫn ăn ít muối và ăn kiêng kèm kê toa thuốc hạ huyết áp loại ức chế men chuyển thường ngày. Người bệnh được bác sĩ theo dõi hàng tháng, đo huyết áp hai lần/ngày để kịp thời xử lý khi có bất thường.
Một nam thanh niên khác, 23 tuổi, thường xuyên đau đầu, xây xẩm mặt mày, có lúc tê lưỡi, mờ mắt. Anh đến bệnh viện khám mới phát hiện huyết áp tăng rất cao, khoảng hơn 180 mmHg, có lúc đến 220 mmHg (bình thường khoảng 120 mmHg). Bác sĩ khuyên nhập viện theo dõi để tìm nguyên nhân nhưng anh chần chừ, không đi khám lại. Sau đó, cơn đau đầu tái phát, anh nhập viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn 5, tức giai đoạn cuối, phải lọc máu chạy thận trừ trường hợp được ghép thận.
Cuối tháng một, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận bệnh nhân nam 30 tuổi, vào viện lúc rạng sáng thì đến chiều bác sĩ trả về vì hết hy vọng cứu chữa. Kết quả CT Scan ghi nhận hình ảnh xuất huyết rất lớn ở bán cầu trái khiến bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp lên 240 mmHg. Gia đình không biết anh đã bị tăng huyết áp trước đó.
Theo Hội Tim mạch châu Âu và Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tức là huyết áp bình thường phải thấp hơn 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" bởi không triệu chứng điển hình. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1,5 tỷ người toàn cầu bị tăng huyết áp. Số bệnh nhân tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.
Tại Việt Nam, hơn 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó đến 9,7 triệu người không biết mình bệnh hoặc điều trị không hiệu quả, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2020. Hai năm sau, nghiên cứu dịch tễ học cho biết 25% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp, tức cứ 4 người trưởng thành thì một người mắc bệnh, có những nơi tỷ lệ này lên đến 40%.
Mô hình bệnh tật ở Việt Nam hiện có nhiều thay đổi. Các bệnh không lây nhiễm có khuynh hướng tăng, còn bệnh lây nhiễm giảm. Trong đó, tăng huyết áp là bệnh không lây nhiễm đang tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên, song nay giảm dần độ tuổi. Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10-15%, theo PGS Nam.
Bệnh tăng huyết áp phổ biến nhưng không có triệu chứng hay rất ít triệu chứng ở giai đoạn đầu, thường phát hiện khi đi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ. "Nhiều trường hợp có triệu chứng thì bệnh đã khá nặng, đến độ hai hoặc độ ba rồi", PGS Nam nói, thêm rằng đó cũng là lý do tăng huyết áp "âm thầm quật ngã nhiều người".
Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho biết trong số những người bị tăng huyết áp thì một nửa không biết mình mắc bệnh. Khi biết bệnh, 1/3 trong số đó không điều trị. Trong số những người điều trị, 64% không đạt được huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp chủ yếu là tình trạng xơ vữa động mạch do lắng đọng các mảng cholesterol trên thành động mạch. Kèm theo đó là viêm và tổn thương lớp nội mạc động mạch làm cho mạch máu cứng lại, khó di chuyển trong lòng mạch. Khi ấy, tim tăng co bóp và áp lực trong lòng mạch tăng lên dẫn đến tăng huyết áp.
Người dưới 30 tuổi, nguyên nhân tăng huyết áp thường đa dạng hơn, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết. Chẳng hạn, tổn thương bẩm sinh, tính di truyền, các bệnh lý về thận như suy thận mạn, bệnh của hệ thống nội tiết. Các bệnh như viêm tắc động mạch, béo phì, tiểu đường, lupus ban đỏ, viêm mạch tự miễn... cũng thường đi cùng tăng huyết áp và là tác nhân gây bệnh. Tăng huyết áp còn một phần do lối sống ít hoạt động thể lực, tăng tiêu thụ đồ uống có cồn, tăng tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối natri, ít ăn rau củ...
Tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường nguy hiểm do đa số chủ quan, không theo dõi chỉ số thường xuyên, kể cả ở giai đoạn tăng huyết áp nhẹ hoặc "tiền tăng huyết áp". Nhiều người trẻ phát hiện bệnh cũng không đi khám và điều trị thường xuyên khiến bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, ở người trẻ, huyết áp thứ phát, nghĩa là tăng huyết áp do một bệnh lý tiềm ẩn phía sau, chiếm một tỷ lệ cao hơn so với tăng huyết áp ở người lớn tuổi. Tình trạng tăng huyết áp thứ phát này rất khó kiểm soát nếu không phát hiện được nguyên nhân.
"Tăng huyết áp người trẻ vừa dễ kháng trị lại vừa dễ bị bỏ qua", bác sĩ Nghĩa nói, khuyến cáo nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề tàn phá sức khỏe, để lại nhiều gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bác sĩ đo huyết áp cho người dân tại cộng đồng.
Tăng huyết áp kéo dài nếu không điều trị triệt để sẽ gây ra nhiều biến chứng đa cơ quan, thậm chí đột tử như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ), phình động mạch chủ đến động mạch ngoại vi, suy thận mạn, mờ mắt, mù. Tăng huyết áp làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp ba lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.
Người trẻ có thể chủ động phòng ngừa bằng cách giảm thiểu những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Các biện pháp cụ thể như tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút/ngày, liên tục 5 ngày/tuần. Nên ăn nhạt, dưới 5 g muối/ngày, tương đương hai muỗng cà phê. Ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thức uống có cồn và giữ cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá.
Một số trường hợp tình trạng tăng huyết áp có mối liên quan đến yếu tố gia đình. Nếu người thân trong gia đình có biểu hiện tăng huyết áp lúc còn trẻ (< 30-40 tuổi) hoặc có người mang đột biến gene gây tăng huyết áp, bạn nên chủ động khám tầm soát bệnh.
Tuy nhiên, "đây chỉ là những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, không hoàn toàn tránh khỏi 100%", bác sĩ Nghĩa nói và khuyến cáo người trẻ phải lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.