Trẻ em chính là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nhất, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa khiến trẻ dễ tái bệnh. Nhiễm khuẩn hô hấp khiến trẻ gặp khó khăn trong việc sinh hoạt và học tập, đồng thời để lâu bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm. Vậy, làm thế nào để nhận biết được dấu hiệu nguy hiểm của trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp?
1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp là gì?
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh do vi khuẩn, virus gây ra, chúng khiến đường hô hấp bị tổn thương ở các vị trí khác nhau gồm: Thanh quản, khí quản, phế quản, tai , mũi , họng, phổi.
Nhiễm khuẩn hô hấp gồm nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên gồm các bệnh lý như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa...
- Nhiễm khuẩn hô hấp dưới bao gồm các bệnh lý liên quan tới viêm thanh quản, khí quản, phế quản và phổi.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sau này của trẻ. Chính vì vậy, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm của nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh do vi khuẩn, virus gây ra
2. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
Các dấu hiệu thông thường của trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp gồm:
- Trẻ biếng ăn hoặc ít bú.
- Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn.
- Trẻ bị ho và kèm theo các dấu hiệu khác như tiêu chảy, chảy mũi, thở khò khè.
Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như:
- Trẻ thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực.
- Không bú, bú ít hoặc không ăn uống được.
- Nôn hết tất cả, kể cả nước.
- Co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ.
- Trẻ thở bất thường.
- Suy dinh dưỡng nặng.
Để nhận biết được trẻ thở bất thường hay không, phụ huynh các bé cần đếm nhịp thở của con trong 1 phút bằng đồng hồ kim giây khi trẻ nằm yên, không quấy khóc. Trẻ thở nhanh khi:
- Nhịp thở trên 60 lần/phút đối với trẻ từ 0 đến 2 tháng tuổi.
- Nhịp thở trên 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi.
- Nhịp thở trên 40 lần/phút đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi.
Cha mẹ cần quan sát khi trẻ hít vào thở ra, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào hay nở ra như bình thường. Đây chính là cách nhận biết dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực ở trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp.
Cần nhanh chóng đưa trẻ để các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu bệnh trở nặng.
Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp thường mệt mỏi, hay quấy khóc
3. Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể tự khỏi nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Phụ huynh cần tuân theo các hướng dẫn chăm sóc sau:
- Cần vệ sinh mũi cho trẻ bằng tăm bông hoặc có thể dùng hút mũi và nhỏ nước muối sinh lý 0,9%. Nhỏ nước muối vào từng bên để làm loãng dịch mũi, sau đó dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ dịch.
- Khi trẻ ho có đờm, nên vỗ lưng cho trẻ (tốt nhất là nên thực hiện trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn 1h để tránh việc trẻ bị nôn), thực hiện bằng cách gập bàn tay ở cổ tay rồi khum lại.
- Nên sử dụng thuốc nam để giảm tình trạng ho ở trẻ, hoặc có thể dùng các loại thuốc thảo dược được chế biến sẵn như siro dùng cho trẻ.
- Khi trẻ bị sốt thì cần phải mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, bỏ bớt quần áo, dùng nước ấm để chườm trán, nách, bẹn cho trẻ và cho trẻ uống nhiều nước, bú nhiều hơn và ăn những thức ăn dễ tiêu hóa.
- Khi trẻ sốt trên 38,5 độ, cần phải có sự chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc hạ sốt ở trẻ.
- Luôn giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ và vệ sinh phòng ở của trẻ.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng.
- Cho trẻ uống đủ nước, uống thêm nước hoa quả để tránh nguy cơ mất nước khi trẻ bị sốt viêm đường hô hấp trên.
4. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em
Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng
- Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ.
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 6 tháng.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối, đầy đủ.
- Giúp trẻ tránh xa khỏi nguồn lây bệnh, tránh cho trẻ đến chỗ đông người nhất là nơi đang có nhiều người bị ho.
- Vệ sinh cơ thể trẻ, cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Phòng ngủ của trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát, tránh trẻ khỏi khói thuốc, môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Trẻ cần được giữ ấm khi trời lạnh hoặc thời tiết thay đổi.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Cần phải chú ý đến các biểu hiện của bệnh để có cách chăm sóc trẻ thích hợp. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay lập tức để giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.