2024-06-24 13:39:58
Vi khuẩn liên cầu nhóm A, thủ phạm gây hội chứng sốc nhiễm độc (STSS), có thể xâm nhập vào máu và các mô, khiến một người tử vong nhanh chóng.
Nhật Bản ghi nhận ít nhất 1.019 trường hợp mắc STSS kể từ đầu năm 2024 đến nay, theo công bố của Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, hôm 19/6. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, nhiều hơn tổng số ca mắc trong năm 2023 là 941. Trong đó, 77 người đã không qua khỏi.
Giáo sư Ken Kikuchi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo, cho biết ông rất lo ngại về tình trạng gia tăng đáng kể bệnh nhân mắc STSS, nhất là trong bối cảnh nước này hạ cấp Covid-19 như cúm mùa. Điều này khiến mọi người không chú trọng sát khuẩn, đeo khẩu trang, tạo điều kiện cho bệnh lây nhanh và rộng hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), STSS là một căn bệnh nghiêm trọng xảy ra khi vi khuẩn Streptococcus nhóm A lây lan vào máu và các mô sâu.
Thực tế, liên cầu khuẩn nhóm A là loại vi khuẩn phổ biến, sống trên cổ họng và da người, thường dễ điều trị, nhưng có thể gây các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như STSS. Các bệnh nhiễm trùng nhẹ do vi khuẩn này gây ra bao gồm sốt ban đỏ, viêm mô tế bào chốc lở và viêm thanh quản, tất cả đều có thể điều trị được bằng kháng sinh.
Còn khi nhiễm trùng nặng, vi khuẩn sẽ lây lan khắp cơ thể qua đường máu, "ăn" các nội tạng và cơ, khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, rối loạn và thậm chí tử vong.
Liên cầu khuẩn nhóm A lây truyền qua các giọt hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, vết thương hở ở tay hoặc chân. Một số người có vi khuẩn trong cơ thể nhưng không biểu hiện triệu chứng vẫn truyền được mầm bệnh sang người khác. Vì vậy, cơ quan y tế khuyến cáo mọi người tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay thường xuyên và chăm sóc vết thương đúng cách.
Trong vi khuẩn liên cầu nhóm A, biến chủng M1UK có khả năng lây truyền cao nhất. Các chuyên gia phỏng đoán đây là nguyên nhân khiến số ca nhiễm STSS tăng kỷ lục. Kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia đã phát hiện M1UK ở nhiều bệnh nhân Nhật Bản.
Ảnh hiển vi điện tử của liên cầu khuẩn nhóm A. Ảnh: US National institute of Allergy and Infectious Diseases
Andrew Steer, Giám đốc nhiễm trùng, miễn dịch và sức khỏe toàn cầu tại Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch ở Melbourne, Australia nói những người mắc STSS thường không có dấu hiệu cảnh báo trước.
Theo ông, những người có xu hướng khỏe mạnh nhưng sau đó vẫn có thể bị bệnh nặng. Đồng thời cho biết thêm rằng phát ban giống như cháy nắng cũng có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng.
Thực tế, các triệu chứng ban đầu của STSS không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường, bao gồm sốt, ớn lạnh, đau cơ, buồn nôn và nôn. Trong vòng 24 đến 48 giờ, huyết áp bệnh nhân bắt đầu giảm, dẫn đến tình trạng suy đa tạng, nhịp tim và nhịp thở nhanh. Lúc này, cần đưa bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt để điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh, phẫu thuật hoặc truyền dịch.