Dấu hiệu mắc bệnh lậu

2024-01-14 21:17:16

Nhiều người mắc bệnh lậu mà không biết do thường không có triệu chứng, nếu có dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác như nóng rát khi tiểu, đau họng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, có thể dẫn đến nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục, trực tràng và cổ họng. Lậu rất phổ biến, nam và nữ giới có quan hệ tình dục đều có khả năng mắc bệnh, nhất là người trẻ 15-24 tuổi.

Lậu lây lan khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người mắc bệnh. Phụ nữ mang thai mắc lậu có thể lây truyền cho con trong quá trình sinh nở.

Lậu có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng thường không có triệu chứng. Nhiều người không biết mình mắc lậu, đây là một phần lý do khiến bệnh phổ biến.

Hầu hết phụ nữ bị bệnh lậu không biểu hiện triệu chứng. Nếu có các triệu chứng xuất hiện trong vòng 2 đến 14 ngày sau khi quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh, thậm chí vài tuần sau đó. Biểu hiện thường nhẹ và có thể nhầm lẫn với nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo như cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu; tiết dịch bất thường từ âm đạo (màu vàng hoặc có máu); chảy máu giữa kỳ kinh.

Nam giới thường xuất hiện triệu chứng hơn, bắt đầu trong vòng một tuần sau khi lây nhiễm, bao gồm tiết dịch màu bất thường ở dương vật, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, đau hoặc sưng ở tinh hoàn.

Bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm sang hậu môn nếu quan hệ tình dục qua đường này hoặc lây từ một bộ phận khác trên cơ thể. Bệnh lậu hậu môn thường không có triệu chứng, nếu có là cảm giác ngứa, đau ở khu vực này. Nhiễm trùng lậu ở cổ họng cũng ít khi gây ra biểu hiện, thường chỉ là đau họng.


Nhiều người không biết mình mắc lậu do bệnh thường không biểu hiện triệu chứng. Ảnh: Freepik

Lậu lây lan qua đường tình dục, ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của vợ chồng.

Người mắc bệnh lậu không được điều trị, ngay cả khi không có triệu chứng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, tăng nguy cơ nhiễm hoặc lây truyền HIV, viêm vùng chậu hoặc vô sinh. Một vài trường hợp có thể lan đến máu hoặc khớp, nguy hiểm đến tính mạng.

CDC khuyến cáo người có quan hệ tình dục thường xuyên hoặc xuất hiện những dấu hiệu trên nên xét nghiệm. Người đồng tính nam hoặc lưỡng tính, phụ nữ dưới 25 tuổi có hoạt động tình dục, hoặc từ 25 tuổi trở lên và có nhiều bạn tình nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, đều nên xét nghiệm bệnh lậu hàng năm.

Bác sĩ thường lấy mẫu nước tiểu để chẩn đoán bệnh. Một số trường hợp có thể sử dụng gạc để lấy mẫu từ cổ họng và/hoặc trực tràng, sử dụng tăm bông lấy mẫu từ niệu đạo (ống nước tiểu) của nam giới hoặc cổ tử cung của phụ nữ.

Theo CDC, bệnh lậu có thể chữa khỏi, nhưng thuốc điều trị chỉ có tác dụng ngăn chặn lây nhiễm, không thể khắc phục các tổn thương do bệnh gây ra.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên quan hệ một vợ một chồng, sử dụng bao cao su đúng cách.


 

Bài viết liên quan