2023-10-17 14:35:27
PHÚ THỌ - Người đàn ông 32 tuổi, bị đau chân, gout nhưng tự điều trị tại nhà kết hợp thuốc nam, vài tuần sau chân phù nề, không thể đi lại.
Bốn tháng trước, bệnh nhân có biểu hiện đau từ ngón chân lên khớp gối, đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau. Kết quả ban đầu chẩn đoán gout, tràn dịch khớp gối, viêm khớp dạng thấp.
Sau đợt điều trị theo đơn, tình trạng bệnh không đỡ, anh tự mua thuốc uống, nhờ người đến nhà tiêm, kết hợp thuốc nam với quan niệm "Đông - Tây y kết hợp sẽ khỏi nhanh hơn".
Vài tuần sau, chân phải sưng to, phù nề, đau không thể đi lại. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra lại.
Ngày 12/10, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa Chấn thương, cho biết đây là ca bệnh khá phức tạp, người bệnh có chảy máu, tụ máu trong cơ cẳng chân, gây chèn ép dẫn đến hoại tử một phần cơ. Bệnh nhân có bệnh nền viêm khớp, tràn dịch khớp gối, gout càng khiến cuộc mổ thêm phần khó.
"Người bệnh có nguy cơ hoại tử toàn bộ cẳng chân nếu không điều trị kịp thời", bác sĩ nói.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu ổ dịch làm sạch phần hoại tử cơ, duy trì kháng sinh, thay băng hàng ngày kết hợp tập phục hồi chức năng cải thiện khớp gối. Ba ngày sau, anh có thể đi lại nhẹ nhàng, song sẽ mất nhiều thời gian để theo dõi điều trị gout và viêm tràn dịch khớp gối, tránh biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự ý mua thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc hay các phương pháp điều trị với nhau mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc. Bệnh nhân đau khớp cần khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, được chẩn đoán, điều trị đúng và đặc biệt là chỉ định tiêm đúng. Quá trình tiêm khớp phải đảm bảo vô khuẩn tốt (phòng, vị trí, dụng cụ tiêm). Khi hết đợt điều trị, bệnh nhân cần tái khám để được kê đơn thuốc mới với phác đồ phù hợp và hiệu quả hơn.