2023-01-06 11:04:25
Người bị căng thẳng thời gian dài thường gặp phải chứng sương mù não, suy giảm trí nhớ..., nên tránh dùng rượu bia, cải thiện giấc ngủ, giảm công việc.
Khi đối mặt với tác nhân gây căng thẳng (từ bên trong hoặc bên ngoài môi trường), cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone gây căng thẳng hơn. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, căng thẳng kéo dài có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và dẫn đến các vấn đề về thể chất, tinh thần, nhận thức.
Về thể chất, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để tránh hoặc chống lại các tác nhân tiêu cực. Quá trình này có thể dẫn đến một số triệu chứng cho thấy thể trạng bị kiệt sức như đau cơ, đau đầu migraine, khó thở, các vấn đề về đường tiêu hóa và mất ngủ.
Về tinh thần, stress cũng ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc như lo lắng, khó chịu, tức giận... Bạn cũng có thể lo âu, mất cân bằng cảm xúc khi đã vượt qua căng thẳng. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các cặp đôi thường xuyên căng thẳng hay tranh cãi, bất mãn với bạn đời. Người gặp tình trạng này trong thời gian dài dễ cảm thấy bị cô lập, tự thu mình lại, từ chối tham gia các sự kiện xã hội và họp mặt gia đình.
Căng thẳng trong công việc là tình trạng rất thường gặp.
Khi căng thẳng, não bộ có rất ít năng lượng để dành cho các hoạt động quan trọng khác (như suy nghĩ, lập kế hoạch và tập trung). Căng thẳng có thể tạo ra hội chứng sương mù não, suy giảm trí nhớ và làm suy giảm khả năng giải quyết vấn đề.
Chứng sương mù não: Người bệnh mắc sương mù não thường khó tập trung, giảm khả năng chú ý, quá trình suy nghĩ chậm hơn. Tình trạng này có thể do viêm thần kinh.
Suy giảm trí nhớ: Do phản ứng viêm nhiễm của cơ thể và những thay đổi trong não do căng thẳng gây ra. Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn và dài hạn, khả năng hình thành ký ức và tìm hiểu thông tin mới.
Suy giảm khả năng giải quyết vấn đề: Căng thẳng cấp tính và mạn tính cũng gây suy giảm kỹ năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề. Theo nghiên cứu về giấc ngủ đăng trên ScienceDirect, người bị căng thẳng dài hạn có xu hướng ăn uống kém dinh dưỡng hơn và ngủ không ngon giấc. Nếu không được điều trị, tình trạng kéo dài thành bệnh lý mạn tính, tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, rối loạn tự miễn dịch, bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer.
Một số cách sau có thể giúp bạn phòng và giảm căng thẳng:
Giảm lượng công việc: Bạn nên cân nhắc và chọn lọc để giảm những việc kém quan trọng hoặc quá sức, chia sẻ hoặc nhờ giúp đỡ bởi người thân (như việc nhà, chăm sóc con cái).
Áp dụng kỹ thuật thư giãn: Thực hành chánh niệm và các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga và các bài tập thở sâu giúp giảm mức độ căng thẳng và lo lắng, góp phần giúp giảm huyết áp và cải thiện giấc ngủ...
Tập thể dục thường xuyên: Người bị căng thẳng có thể không muốn tập thể dục. Tuy nhiên, hoạt động thể chất thường xuyên có thể giải tỏa tâm trí, cải thiện tâm trạng và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe thể chất. Bạn có thể tăng dần thời gian vận động nhẹ nhàng như tản bộ cùng với người thân hoặc bạn bè.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ ngon hơn cải thiện sức khỏe thể chất, chức năng nhận thức và cảm xúc. Người bị căng thẳng có thể bắt đầu luyện tập thói quen này bằng cách đi ngủ đều đặn mỗi đêm và tắt điện thoại, máy tính và tivi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
Viết nhật ký: Viết nhật ký về những điều biết ơn hoặc kỷ niệm tích cực có thể là cách giảm căng thẳng.
Hạn chế uống rượu và thuốc lá: Khi bị căng thẳng, rượu và các loại thuốc khác thường là sự chọn lựa như cách giải tỏa tạm thời. Giảm sử dụng rượu bia, thuốc lá có thể giúp giảm viêm cho cơ thể, não và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Người bị căng thẳng gặp khó khăn trong việc đối phó với tình trạng này thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.