2021-05-26 10:00:37
U lạ xuất hiện ở vú khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, những khối u này hoàn toàn có thể là u lành tính và không đáng sợ như mọi người nghĩ. Phần lớn các u lành tính thường gặp ở vú là các loại u xơ tuyến vú, u sợi tuyến vú, hay u diệp thể tuyến vú,...
1. Bệnh sợi bọc tuyến vú
Bệnh sợi bọc tuyến vú hình thành do sự nổi trội của các ống, thùy, mô đệm giữa ống hoặc giữa tiểu thùy, dẫn đến sự thay đổi mô sợi và hình thành các bọc hay các nang khiến vú có tổ chức nổi cộm. Tình trạng này không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
2. U sợi tuyến vú
U sợi tuyến vú (hay còn gọi là bướu sợi tuyến vú) thường thấy ở những phụ nữ trẻ, khi nắn ngực thấy có vài cục tròn và láng như hạt lạc hay hạt nhãn, di động được. Ngay cả khi u này hơi sau hoặc hơi lớn lên một chút thì cũng không nên vội lo lắng quá, bởi đây thường là khối u lành tính. Trong trường hợp này, phụ nữ cần đi khám cho yên tâm và tìm hướng xử trí. Nếu khối u nhỏ thì thường chỉ cần theo dõi.
Khi khối u lớn, bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chích thuốc tê, mổ lấy trọn u, nếu vài tháng hoặc vài năm sau có một cục khác mọc ở chỗ khác trong vú hoặc vú kia thì phần lớn là u sợi - tuyến lành, do đó không nên quá lo lắng. Trong một số trường hợp, các bạn trẻ khi bóp tuyến vú giữa hai ngón tay cứ ngỡ là mình bị u. Ở tuổi này, tuyến sữa rất phát triển, khiến cho cảm giác có cục u, nhất là lúc sắp có kinh, ngực căng lên thấy cộm chứ không phải một bệnh hay tổn thương.
3. U diệp thể tuyến vú
Là loại bệnh thường thấy ở độ tuổi 15-30. Trong vú có một u cục như hạt nhỏ, giống như u sợi tuyến, để lâu một hai năm bình thường, đột nhiên to ra nhanh. Da vú căng mỏng, có nhiều lằn xanh vắt qua vắt lại ở da vú, vú to hơn.
U diệp thể tuyến vú thường lành tính, tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ cho bệnh nhân sinh thiết để chắc chắn loại trừ khả năng u ác tính (ung thư). Những trường hợp này phụ nữ cần đi khám bác sĩ. Nếu là u diệp thể tuyến vú lành tính, chỉ cần mổ để lấy trọn khối u. Phương pháp này mặt khác cũng giúp bảo tồn bầu sữa cho bà mẹ tương lai.
4. U nang tuyến vú (bọc dịch)
U nang tuyến vú thường “xuất hiện” ở độ tuổi trung niên. Các nang hoặc bọc chứa chất dịch lỏng. Nang chỉ là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Các nang này thường chỉ gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, nhưng sau khi mãn kinh có thể tự nhiên lặn mất.
Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm. Vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể thấy được. Khi nghi là u nang tuyến vú, phụ nữ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa, đừng chờ đến lúc mãn kinh cho nang xẹp. Biện pháp siêu âm, sinh thiết sẽ giúp bác sĩ xác định bệnh tình trạng bệnh. Tiếp đó, sẽ rút dịch trong nang.
Sau tiểu phẫu, có thể có một hoặc nhiều nang xuất hiện ở vùng khác của vú khiến nhiều nhiều bệnh nhân lầm tưởng rằng đây là bệnh ác tính đang lan sang vùng khác hoặc bệnh cũ bị tái phát. Thực tế, phần lớn các trường hợp này chỉ là sự xuất hiện liên tục của tình trạng đa nang vú lành tính, cho đến khi lành kinh.
5. U xơ tuyến vú
Khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thùy. Thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u có đặc điểm, chắc, xơ, đều, tròn hoặc hình trứng, di động dưới da, không đau, không liên quan tới chu kỳ kinh. Kích thước thay đổi khoảng 2 - 3 cm, thường chỉ có một u, đôi khi có nhiều u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian.
Đây là loại u dễ chẩn đoán trong các u lành tính tuyến vú. Tuy nhiên cũng nên chọc lấy tế bào bằng kim sinh thiết nhỏ giúp khẳng định chẩn đoán và loại trừ ung thư.
6. Xáo trộn nội tiết ở bé gái
Các bé gái khoảng 10-12 tuổi thường có một bên ngực hơi u lên khiến hai bên ngực không đều và ở vùng giữa vú hơi đau.
Trường hợp này thường khiến cha mẹ lo sợ con mình bị bệnh lý ác tính của vú hoặc dậy thì sớm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là do xáo trộn nội tiết ở bé gái. Cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để chắc chắn hơn về tình trạng của trẻ. Không nên tự ý chích thuốc kích tố nam, hay mổ lấy đi “cục u” nhỏ ở núm vú.
7. Vú đau do di sản tuyến vú
Khi bị đau do di sản tuyến vú, khám thấy có những mô sữa dày lên, không có cục u rõ ở cả hai bên vú.
8. Núm vú hoặc cả quầng vú bị ngứa, lở và tươm nước
Tình trạng thường không phải do bệnh lý mà là vì dị ứng áo lót. Do đó, khi ở nhà, phụ nữ nên bỏ áo lót. Ngoài ra, cũng không nên mặc áo lót quá chật, thay áo lót hằng ngày và vệ sinh sạch sẽ để tránh bị dị ứng.
9. Áp xe vú
Tình trạng áp xe vú thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu, khoảng hai, ba tuần lễ sau khi sinh. Triệu chứng nhiễm trùng rất rõ là người nóng sốt, vú căng to, da vú đỏ lên rất đau nhức. Không cho con bú cũng có thể bị áp xe, thường ở vị trí quanh quầng vú.
10. Chảy nước, chảy máu ở đầu núm vú
Nguyên nhân thường do dẫn ống sữa, viêm ống sữa, u lành trong ống sữa, và ung thư trong ống sữa. Phần lớn các trường hợp xảy ra ở tuổi dưới 30. Nếu tình trạng ứ dịch, chảy máu từ núm vú thì phụ nữ nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra.
11. Bọc sữa
Tình trạng này thường gặp ở những bà mẹ đang cho con bú, sờ ngực thấy có một khối tròn, mềm như trái nho hoặc lớn hơn, bóp thường nhão nhão. Có khi mới thấy vài ngày, có khi chỉ một vài tháng, không thấy đau và có thể lớn thêm sau những cơn căng sữa. Đó là một bọc sữa, nguyên nhân là vì sữa ứ lại do một ống sữa bị tắc.
Với trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyên mẹ nên dứt sữa nếu trẻ đã trên 12 tháng. Khi đó, bọc sữa sẽ nhỏ từ từ và sau vài tháng có thể lặn mất. Còn nếu trẻ mới được vài tháng, có thể vẫn tiếp tục cho bé bú nhưng chấp nhận bọc sữa có thể to lên, gây vướng víu khó chịu, đôi khi còn bị đau nhức vì bội nhiễm. Lúc này người mẹ bắt buộc phải dứt sữa.
12. Núm vú bị tụt
Núm vú bị tụt là tình trạng núm vú phẳng hoặc tụt sâu vào bên trong so với quầng vú (thay vì thò ra ngoài như bình thường). Cả nam và nữ đều có thể gặp tình trạng này. Việc núm vị bị tụt ở phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến việc bú sữa mẹ của trẻ.
Mặc dù là những loại u tuyến vú lành tính, nhưng bạn không nên chủ quan, bên cạnh đó khi có biểu hiện khác thường ở vú. Việc tầm soát ung thư vú là điều cần thiết và đóng vai trò rất quan trọng giúp người bệnh xác định chính xác tình trạng sức khỏe.