Mắc ung thư gan sau khi bỏ điều trị

2023-07-26 16:33:06

HÀ NỘI - Tự ý bỏ điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính, người phụ nữ 36 tuổi, nhận chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, di căn phổi.

Do có mẹ qua đời vì ung thư gan trên nền viêm gan B và bản thân cũng nhiễm virus này khi còn nhỏ, chị được các bác sĩ khuyến cáo theo dõi, điều trị thường xuyên. Song, từ tháng 5/2021 đến nay, người phụ nữ chủ quan không khám cũng như tự ý bỏ thuốc.

Khoảng 3 tuần nay, chị đau âm ỉ vùng thượng vị, lan sang hạ sườn phải, mệt mỏi, ăn uống bình thường nhưng vẫn sụt 2 kg một tháng. Khám tại Bệnh viện Medlatec, người phụ nữ được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) giai đoạn cuối, theo dõi di căn phổi. Bệnh nhân đã được chuyển bệnh viện ung bướu để điều trị ung thư.

Theo thống kê từ Tổ chức Globocan 2020, ung thư gan vượt ung thư phổi và ung thư vú về tỷ lệ mắc cũng như tử vong, với hơn 26.000 ca mắc mới hàng năm. Số ca tử vong do ung thư gan dẫn đầu với hơn 25.000, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư. Người mắc viêm gan B, C, xơ gan, lạm dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc gia đình có người bị ung thư gan là nhóm có nguy cơ cao.

Bệnh khi được phát hiện sớm thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị triệt căn như ghép gan, phẫu thuật. Song nhiều trường hợp chủ quan đi khám ở giai đoạn muộn, lúc này khối u gan kích thước lớn, hoặc xâm lấn di căn nên việc điều trị khó khăn và kém hiệu quả.

Ngày 26/7, TS Ngô Chí Cương, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, cho biết khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, tức là người bệnh sẽ phải sống chung với virus lâu dài. Hiện, bệnh này chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nên việc quản lý, theo dõi và điều trị đòi hỏi nỗ lực kiên trì, bền bỉ.

Thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B có tác dụng ức chế virus HBV, qua đó làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển dẫn tới xơ gan, ngăn ngừa viêm gan B lây truyền sang người khác, cũng như hạn chế các biến chứng.

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm ở gan, do virus viêm gan B gây ra. Loại virus này lây truyền chủ yếu qua ba cách, gồm đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Do vậy, người bệnh cần chủ động phòng tránh bệnh.

"Những người có tiền sử viêm gan virus B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì, nhiễm độc Aftatoxin..., nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan", bác sĩ Cương nói.

Sau khi có chẩn đoán xác định mắc bệnh, hoặc giai đoạn bệnh, người dân cần tuân thủ phác điều đồ điều trị để quản lý sức khỏe lá gan tốt nhất.

Bài viết liên quan