Siêu âm sỏi thận có cần nhịn ăn không?

2022-11-16 15:04:36

Siêu âm là kỹ thuật đắc lực giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương hướng điều trị thích hợp cho các vấn đề sỏi thận.

Siêu âm sỏi thận là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về thận và bàng quang. Kỹ thuật này giúp phát hiện sỏi, đánh giá vị trí, kích thước và bản chất viên sỏi; ghi nhận mức độ thận ứ nước, các bất thường ở niệu quản và cấu trúc thận.

Siêu âm sỏi thận được chỉ định trong những trường hợp người bệnh bị khó tiểu, tiểu rắt, bí tiểu; nước tiểu bất thường như đục, lẫn máu, nhiều bọt...; đau vùng hông lưng; thay đổi huyết áp đột ngột không do các bệnh lý khác; tiền sử từng mắc các bệnh lý về thận như suy thận, thận đa nang...


Siêu âm giúp phát hiện sỏi và những bất thường khác ở thận, tiết niệu. Ảnh: Freepik

Siêu âm giúp phát hiện sỏi và những bất thường khác ở thận, tiết niệu.

BS.CKI Phan Trường Nam cho biết, để có được hình ảnh siêu âm rõ nét, người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn và nhịn tiểu. Việc nhịn tiểu và uống nhiều nước trước khi siêu âm sẽ làm cho bàng quang căng to, tạo điều kiện thuận lợi để các bác sĩ phát hiện những bất thường nếu có trên nhu mô thận, đặc biệt là sỏi thận.

Đồng thời, người bệnh cũng cần nhịn ăn trước khi siêu âm từ 6 đến 8 tiếng. Lúc này, cơ thể đã tiêu hóa hết thức ăn, tránh được các hình ảnh gây nhiễu trong quá trình siêu âm. Do đó, tốt nhất, người bệnh nên thực hiện siêu âm thận vào buổi sáng sớm.

Nếu kết quả hình ảnh siêu âm cho thấy sỏi có nguy cơ di chuyển ra ngoài bể thận, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm siêu âm sỏi niệu quản hoặc siêu âm sỏi bàng quang. Trong một vài trường hợp, để đưa chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số các xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp mạch thận, chọc dò ngược dòng, chọc dò tĩnh mạch, siêu âm Doppler...

Từ những kết quả này, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán và phương hướng điều trị liên quan đến các bệnh lý như sỏi thận, sỏi tiết niệu, thận ứ nước, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, suy thận... Có rất nhiều trường hợp có sỏi nhưng không biểu hiện ra ngoài đã được phát hiện tình cờ khi siêu âm kiểm tra định kỳ hoặc siêu âm bụng vì lý do khác.

Bác sĩ Trường Nam cho biết, nếu sỏi thận có kích thước nhỏ dưới 5mm, người bệnh sẽ được hướng dẫn bổ sung nước, dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi để đào thải sỏi ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn, không thể tự tan, sỏi mắc kẹt trong thận hoặc niệu quản, gây ra những cơn đau dữ dội và có thể làm tổn thương thận, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật.

Các phương pháp làm sạch sỏi bao gồm tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, lấy sỏi thận qua da, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm, nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng hoặc mổ mở lấy sỏi. Nhờ vào khả năng lấy sạch sỏi chỉ trong một lần phẫu thuật, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật nội soi cho những trường hợp sỏi kích thước > 1cm và là chọn lựa đầu tiên khi sỏi thận lớn > 2cm.

Theo Bác sĩ Trường Nam, phẫu thuật nội soi sỏi thận là phương pháp chữa trị sỏi thận chủ yếu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, an toàn, tổn thương thận tối thiểu, đau vết mổ ít và tỷ lệ sạch sỏi cao. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật này đã gần như thay thế mổ mở để lấy sỏi thận, do tỷ lệ sạch sỏi tương tự nhưng phục hồi nhanh hơn nhiều. Tùy thuộc vào vị trí có sỏi, kích thước sỏi của người bệnh mà quá trình phẫu thuật có thể kéo dài 1 - 3 giờ. Người bệnh có thể xuất viện sau 2 - 5 ngày nếu tình trạng ổn định, phục hồi tốt.

 

Bài viết liên quan