2024-05-27 07:19:15
Trẻ mệt mỏi, cáu kỉnh, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích là những triệu chứng có thể báo hiệu bệnh trầm cảm.
Theo Điều tra Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ hơn 8% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi. Đặc biệt, chỉ hơn 5% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con cần sự giúp đỡ. Việc nhận biết các vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ em rất quan trọng, là cơ sở để bố mẹ đưa ra các phương án hỗ trợ con kịp thời.
Trẻ em có thể bị trầm cảm không?
Trẻ em cũng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, tương tự người lớn. Theo tiến sĩ Seb Thompson, chuyên gia tâm lý tại Cygnet Health Care (Anh), số lượng trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 19 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần đã tăng đáng kể gần đây.
Vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở lứa tuổi này là lo âu và buồn bã, có thể dao động từ lo lắng nhẹ về một vấn đề cụ thể (như trường học) đến các tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, khó khăn trong việc gắn kết hoặc trầm cảm.
Một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác ít phổ biến hơn nhưng cũng bắt đầu từ tuổi vị thành niên, bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn ăn uống. Các rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) hoặc hội chứng Tourette (các cử động cơ nhanh, đột ngột, lặp lại không có nhịp điệu bao gồm cả âm thanh hoặc giọng nói), dù không phải bệnh tâm thần nhưng cũng đòi hỏi những chăm sóc đặc biệt.
Minh họa cho tình trạng buồn bã của một em bé.
Những yếu tố nào gây bệnh trầm cảm ở trẻ?
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần không xuất phát từ một nguyên nhân cụ thể hay yếu tố dễ nhận biết. Thay vào đó, chúng thường là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Càng nhiều trải nghiệm tuổi thơ bất hạnh, việc gặp phải khó khăn về sức khỏe tâm thần càng tăng.
Những trải nghiệm tuổi thơ bất hạnh là các sự kiện hoặc tình huống căng thẳng, có thể làm tổn hại đến cảm giác an toàn, ổn định, cảm giác được kết nối, công nhận, trân trọng của một người. Chẳng hạn, việc chịu đựng lạm dụng hoặc bị bỏ rơi, tiếp xúc với bạo lực gia đình, chia ly của bố mẹ hoặc căng thẳng gia đình, tiếp xúc với việc sử dụng ma túy,...
Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ
Rachel Melville-Thomas, nhà trị liệu tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, người phát ngôn Hiệp hội Nhà Trị liệu Tâm lý Trẻ em (ACP), cho rằng cần phải chú ý khi một đứa trẻ không thể thoát khỏi tình trạng buồn bã kéo dài hoặc tâm trạng xấu, mất hứng thú trong các hoạt động trẻ từng yêu thích.
Trẻ em có thể thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh và mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài hơn hai tuần, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm. Thanh thiếu niên mắc trầm cảm thường không biểu lộ cảm xúc rõ ràng mà chỉ cảm thấy không còn hứng thú hoặc rỗng tuếch. Trầm cảm cũng thường đi kèm với lo lắng nhiều và có thể là nguyên nhân khiến trẻ thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ.
Tiến sĩ Thompson khuyến cáo khi lo lắng về tình trạng tâm lý của trẻ, cha mẹ và người chăm sóc nên quan sát xem trẻ có biểu hiện hạn chế hay trốn tránh giao tiếp, thay đổi thói quen ăn uống và giấc ngủ hoặc có những hành vi mới để đối phó với căng thẳng không. Ngoài ra, cần chú ý xem có sự thay đổi nào trong cách suy nghĩ của trẻ hay không.
Ông Thompson nhấn mạnh rằng, trẻ em và thanh thiếu niên luôn trong quá trình phát triển và đạt được các mốc quan trọng theo độ tuổi. Những biểu hiện trong quá trình lớn lên là bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn, thì đó có thể là dấu hiệu cần được chú ý.
Phân biệt giữa trầm cảm và cảm giác buồn bã thông thường
Trẻ em thường có thể giải thích tại sao chúng cảm thấy buồn, chẳng hạn mất một người thân yêu hoặc gặp vấn đề với bạn bè, trường học. Nếu trẻ không thể tìm ra nguyên nhân cho cảm giác buồn của mình, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Thanh thiếu niên bị trầm cảm thường tránh tiếp xúc xã hội và không muốn tham gia vào các hoạt động gia đình. Quan sát xem trẻ đã cảm thấy như vậy trong bao lâu và khi nào là lần cuối cùng trẻ thực sự cảm thấy vui vẻ có thể giúp nhận biết vấn đề.
Trẻ cũng thường gặp khó khăn trong việc mô tả những cảm xúc không rõ ràng. Hoặc trầm cảm biểu hiện qua các sức khỏe thể chất như đau đầu, rối loạn kinh nguyệt hoặc đau bụng liên tục, kéo dài.
Gia đình giúp con vượt qua trầm cảm
Melville-Thomas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe và đánh giá cao những gì trẻ em, thanh thiếu niên bày tỏ. Phụ huynh và người chăm sóc nên tin vào trực giác của mình khi nhận thấy điều gì đó bất ổn. Trẻ cần được chăm sóc chu đáo, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và được khuyến khích chia sẻ suy nghĩ của mình.
Khi lo lắng về trầm cảm ở trẻ, việc đầu tiên là đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tùy vào tình trạng, trẻ có thể được hướng dẫn tham gia liệu pháp tâm lý, khuyến khích bày tỏ suy nghĩ qua nói chuyện, chơi đùa, hoặc liệu pháp hành vi nhận thức để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Thuốc cũng có thể được xem xét nếu cần.
Phụ huynh cũng cần sự hỗ trợ khi đối mặt với khó khăn trong việc chăm sóc con cái. Có nhiều nhóm hỗ trợ sẵn sàng cung cấp sự an ủi và lời khuyên hữu ích. Nhớ rằng, chăm sóc bản thân là điều quan trọng để có thể chăm sóc người khác, điều này cũng đúng với việc nuôi dạy con cái.