Mỹ chi 176 triệu USD phát triển vaccine ngừa H5N1

2024-07-04 09:33:45

Mỹ đầu tư 176 triệu USD để Moderna đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine trong bối cảnh nhiều bò sữa mắc cúm gia cầm H5N1, lo ngại bệnh lây sang người.

Thông tin đăng tải trên AP ngày 2/7. Khoản tiền tương đương hơn 4.400 tỷ đồng Việt Nam, do Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đầu tư. Hôm 2/7, đại diện cơ quan này cho biết số tiền này có thể được điều chuyển mục đích nếu dịch bệnh khác cúm gia cầm H5N1 bùng phát.

Động thái này nhằm chuẩn bị vaccine trong trường hợp có đại dịch, theo đại diện Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Hồi tháng 5, cơ quan này cũng trao đổi với các đơn vị sản xuất để dự trữ hàng triệu liều cúm gia cầm, tiêu chí càng nhiều công ty đáp ứng nhu cầu tiêm chủng càng tốt.

Theo Moderna, hãng đang thử nghiệm vaccine cúm gia cầm, sử dụng cùng công nghệ với mũi ngừa Covid-19. Công nghệ mRNA giúp mũi tiêm được phát triển nhanh hơn.

Với khoản đầu tư mới, hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đặt mục tiêu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vào năm 2025 nếu kết quả ban đầu tích cực.


Một người được tiêm vaccine cúm tại Mỹ. Ảnh: AP

Một người được tiêm vaccine cúm tại Mỹ. Ảnh: AP

Tại Mỹ, virus H5N1 lây lan hơn 135 đàn bò sữa trên 12 bang, gây ra ba ca bệnh trên người. Giới chức y tế Mỹ cho rằng nguy cơ bệnh với dân số còn thấp, tuy nhiên vẫn gấp rút chuẩn bị phương án ngăn dịch bệnh bùng phát.

Trên thế giới, virus cúm gia cầm lây lan ở nhiều trang trại kể từ năm 2020. Nhiều quốc gia như Campuchia, Chile, Trung Quốc, Australia, Mỹ và Anh ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm nhỏ lẻ.

Ngoài Moderna, hãng Pfizer cũng nghiên cứu vaccine mRNA chống cúm gia cầm. Chủng cúm Pfizer nhắm tới tương tự nhưng không hoàn toàn giống chủng cúm ở bò. Hiện vaccine ở bước nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, bước đầu giúp tăng mạnh phản ứng kháng thể.

Công ty CSL Seqirus có vaccine cúm gia cầm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt. Chính phủ Mỹ đặt mua khoảng 10 triệu liều. Tính đến cuối tháng 5, khoảng 4,8 triệu liều đã đóng gói và hoàn thiện.

Song song vaccine cho người, chuyên gia Mỹ gấp rút thử nghiệm mũi tiêm dành cho bò. Về lý thuyết, nếu giảm lượng virus trong bò, khả năng mầm bệnh đột biến, lây lan ở người cũng giảm mạnh, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên người.

Bài viết liên quan