2023-07-14 10:06:39
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, như bệnh Chlamydia, bệnh lậu, bệnh do HPV, Mycoplasma, Herpes… có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Dưới đây là 5 bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có khả năng dẫn đến vô sinh cao:
Bệnh Chlamydia
Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Về bản chất, bệnh không trực tiếp gây vô sinh nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), 10-15% phụ nữ nữ mắc bệnh Chlamydia có khả năng phát triển thành viêm vùng chậu (PID). Bệnh viêm vùng chậu và tình trạng nhiễm trùng "thầm lặng" ở đường sinh dục trên có thể gây tổn thương vĩnh viễn ống dẫn trứng, tử cung và các mô xung quanh, làm tăng khả năng vô sinh ở phụ nữ. Ở nam giới, dù hiếm gặp, tình trạng nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng đến mào tinh hoàn (bộ phận giúp tinh trùng di chuyển từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh), gây đau, hình thành sẹo và có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Triệu chứng bệnh Chlamydia thường không rõ rệt, gồm các biểu hiện như tiết dịch âm đạo bất thường, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đau bụng, đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể phát triển thành viêm vùng chậu và dẫn đến vô sinh.
Bệnh lậu
Bệnh lậu có cơ chế gây vô sinh tương tự như bệnh Chlamydia. Theo đó, khoảng 10-20% phụ nữ mắc bệnh lậu có các triệu chứng của viêm vùng chậu. Đồng thời, bệnh cũng được chứng minh là có khả năng gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và chất lượng tinh trùng ở nam giới. Cùng với Chlamydia, bệnh lậu được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Dấu hiệu bệnh lậu ở phụ nữ thường không rõ rệt, có thể bao gồm tăng tiết dịch âm đạo, đau khi đi tiểu, chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh, đau bụng hoặc vùng chậu. Trong khi đó, nam giới gặp nhiều triệu chứng của bệnh lậu hơn như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, dương vật tiết mủ màu trắng hoặc vàng, một bên tinh hoàn bị sưng hoặc đau.
Nhiễm vi khuẩn Mycoplasma
Tình trạng nhiễm khuẩn Mycoplasma là một nguyên nhân khác có khả năng gây viêm vùng chậu ở nữ giới. Theo CDC, tỷ lệ nhiễm Mycoplasma ở phụ nữ bị viêm vùng chậu dao động trong khoảng 4-22%. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh ở phụ nữ. Ở nam giới, nhiễm vi khuẩn Mycoplasma làm chậm khả năng di chuyển của tinh trùng và từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nhiễm HPV
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) và khả năng vô sinh, hiếm muộn ở cả 2 giới. Nhiễm HPV làm bẩn tinh dịch, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch, tăng lượng kháng thể chống tinh trùng cũng như tăng sự phân mảnh ADN của tinh trùng. Ngoài ra, một số chủng HPV (chủng HPV 6, 11, 16, 18, 31 hoặc 33) có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến tinh trùng khó gặp trứng hơn.
Ở nữ giới, nhiễm HPV khiến phôi khó kết tổ trong thành tử cung, từ đó làm giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ sẩy thai. Ngoài ra, HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị có thể ảnh hưởng đến tử cung và buồng trứng, khiến bệnh nhân khó thụ thai ngay cả sau khi đã điều trị thành công.
Các loại thuốc hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến trứng, từ đó dẫn đến hiệm muộn ở phụ nữ.
HPV không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản tự nhiên mà còn làm giảm hiệu quả của các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Theo kết quả từ một nghiên cứu được thực hiện trên 106 bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), phụ nữ nhiễm HPV có khả năng thụ thai thành công nhờ phương pháp này thấp hơn so với phụ nữ không nhiễm bệnh, với tỷ lệ tương ứng là 23,5% và 57%. Vì vậy, bệnh nhân nhiễm HPV cần điều trị bệnh sớm để ngăn ngừa nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
Nhiễm virus herpes
Không giống các bệnh lý khác, virus herpes ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ nhưng có thể gây vô sinh ở nam giới. Theo nghiên cứu của SH Monavari và cộng sự được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y sinh năm 2012, virus herpes có khả năng làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Nhìn chung, dù cơ chế gây vô sinh, hiếm muộn của các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể khác nhau nhưng hậu quả mang lại đều rất to lớn. Vì vậy, cả phụ nữ và nam giới đều cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh, bao gồm quan hệ tình dục an toàn, chủng ngừa đầy đủ và tầm soát bệnh thường xuyên. Nếu đã được chẩn đoán mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả, tránh nguy cơ dẫn đến vô sinh.
(Theo The Hewitt Fertility Centre)