Uống thuốc giảm đau có hại cho hệ tiêu hóa?

2024-07-04 09:19:30

Tôi hay đau đầu khi thay đổi thời tiết, uống thuốc giảm đau thấy đỡ ngay. Uống thuốc giảm đau nhiều có gây đau dạ dày không? 

Trả lời:

Nhiều người tự mua thuốc về uống mà không có chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc giảm đau. Thói quen này gây ra nhiều tác hại lâu dài cho sức khỏe. Trên thị trường có khá nhiều nhóm thuốc được sử dụng để giảm đau nhưng phổ biến nhất là nhóm thuốc chứa paracetamol, nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) và nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid.

Nhóm thuốc chứa paracetamol là loại phổ biến nhất, giúp giảm đau và hạ sốt, nếu dùng ở liều phù hợp theo chỉ định không hại dạ dày. Trường hợp sử dụng nhóm thuốc này liều cao trên 2 g mỗi ngày có thể gây đầy bụng và buồn nôn, lâu dài dẫn đến tổn thương gan.

Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này được lựa chọn trong trường hợp giảm đau có liên quan đến viêm, hạ sốt. Dù cũng là nhóm thuốc được dùng khá phổ biến nhưng NSAIDs có khả năng gây ra một số tác dụng phụ nhất định lên đường tiêu hóa như kích ứng niêm mạc dạ dày, đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn.

Các thuốc nhóm NSAIDs làm suy yếu khả năng chống lại axit của lớp niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày), loét, chảy máu hoặc gây thủng dạ dày.

Người lớn tuổi dùng nhóm thuốc giảm đau này có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nhiều hơn. Trường hợp dùng nhóm thuốc giảm đau NSAIDs không theo chỉ định, liên tục có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa, biểu hiện bởi các tình trạng chảy máu, thủng, hẹp và mất protein qua đường ruột, gặp phải ở cả ruột non và ruột già.

Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid là nhóm thuốc giảm đau mạnh nhất và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với các nhóm thuốc giảm đau khác. Các thụ thể opioid phân bố nhiều trên đường tiêu hóa nên có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, trào ngược dạ dày thực quản và táo bón.

Ngoài những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dùng nhiều nhóm thuốc giảm đau này còn dẫn tới nhiều hậu quả sức khỏe khác như tình trạng nghiện thuốc, huyết áp cao, tổn thương gan, thận, tăng nguy cơ gãy xương...

Bạn hay đau đầu có thể là đau đầu kinh niên, khi ra hiệu thuốc thường được dược sĩ bán thuốc nhóm paracetamol để giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả giảm đau chỉ tạm thời, không điều trị triệt để căn nguyên gây đau. Lâu dần, bạn phải tăng liều lượng mới có tác dụng như mong muốn.

Khi sử dụng giảm đau thường xuyên trong thời gian dài, bạn có nguy cơ lệ thuộc thuốc. Ban đầu chỉ là thuốc có thành phần paracetamol, sau đó nhiều người chuyển sang sử dụng những loại thuốc có thêm các thành phần như caffein, codein... mới có thể giảm đau. Dùng không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc thuốc.

Bạn nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác, điều trị theo phác đồ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết liên quan