2023-11-10 15:41:01
Rượu có thể làm hỏng DNA gây kích ứng và viêm các cơ quan, mô trong cơ thể, tăng khả năng mắc ung thư gan, miệng và họng.
Rượu gây ra những thay đổi khác nhau, làm đột biến DNA là tiền đề cho các tế bào ung thư hình thành. Nữ giới uống rượu, nồng độ hormone estrogen thay đổi có thể thúc đẩy ung thư phát triển.
Thức uống này còn tác động đến quá trình hấp thu các vitamin quan trọng, kém hấp thu các chất dinh dưỡng như folate, vitamin B. Người uống càng nhiều rượu, nguy cơ ung thư càng cao.
Ung thư vú: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ tăng lên tỷ lệ thuận với lượng rượu tiêu thụ mỗi tuần. Rượu ảnh hưởng đến nồng độ hormone estrogen, làm thay đổi cách cơ thể chuyển hóa. Sự xáo trộn nồng độ estrogen có thể gây ra ung thư vú.
Ung thư gan: Gan có chức năng lọc máu và chất độc. Uống nhiều rượu có thể gây viêm, tích tụ độc tố để lại sẹo ở gan. Sẹo gan khiến gan không thể hoạt động bình thường, dẫn đến xơ gan và tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư gan.
Triệu chứng của bệnh thường gồm mệt mỏi, chán ăn, ra nhiều mồ hôi, sốt cao, đau bụng vùng trên bên phải, thường xuyên đầy hơi sau ăn.
Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
Ung thư miệng và họng: Người nghiện rượu nặng có khả năng mắc ung thư cao gấp 5 lần người không uống rượu. Các chất kích thích trong đồ uống có cồn này làm tổn thương tế bào trong các mô ở miệng và họng - nơi tiếp xúc trực tiếp với rượu, tạo điều kiện cho các hóa chất độc hại, virus xâm nhập vào bên trong tế bào.
Ung thư thực quản: Sau miệng và họng, rượu đến thực quản (ống dẫn thức ăn) làm tổn thương các mô tại đây. Ung thư thực quản nguy hiểm, dễ gây tử vong, diễn tiến nặng hơn nếu người bệnh tiếp tục dùng thức uống có cồn. Rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy (loại ung thư xảy ra ở niêm mạc thực quản).
Ung thư đại trực tràng: Phổ biến ở cả nam và nữ uống nhiều rượu. Hạn chế rượu, tốt nhất là không uống, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Người bệnh thường gặp có triệu chứng điển hình như đau quặn bụng, mệt mỏi, suy nhiệt, sụt cân không chủ ý, đi ngoài ra máu.
Nam giới chỉ nên uống ít hơn hai ly rượu mỗi ngày (khoảng 60 ml) và nữ giới không quá một ly (khoảng 30 ml) mỗi ngày. Tùy vào loại rượu, liều lượng có thể điều chỉnh phù hợp. Uống rượu sau khi ăn, kết hợp ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.