2022-10-27 11:34:44
Người bị thiếu máu, phụ nữ mang thai, người mắc một số bệnh mạn tính… cần bổ sung sắt theo chỉ định để đảm bảo sức khỏe.
Chất sắt có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Sắt gắn kết với nguyên tử oxy giúp máu chuyên chở, phân phối dưỡng khí tới khắp các bộ phận trong cơ thể. Thiếu sắt dễ dẫn đến suy nhược, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, đề kháng kém. Thai phụ thiếu dưỡng chất dễ bị sinh non, thiếu máu với biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc, mất khả năng tập trung...
Ngoài ra, theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Chất sắt còn tham gia vào thành phần của một số enzyme oxy hóa khử như peroxidase, catalase, các cytochrome (hợp chất xúc tác sinh học quan trọng trong cơ thể). Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng oxy hóa, vận chuyển oxy, hô hấp của ty lạp thể, bất hoạt gốc oxy có hại.
Triệu chứng thiếu sắt thường không giống nhau ở mỗi người. Tuổi tác, giới tính, sức khỏe tổng quát, cơ địa, lịch sử bệnh lý, mức độ thiếu sắt khác nhau sẽ cho ra những triệu chứng thiếu sắt khác nhau.
Thiếu sắt ở mức độ nhẹ, trung bình thường khó nhận ra bởi giai đoạn này không có bất kỳ triệu chứng nào có thể dễ quan sát được bằng mắt thường. Nếu tình trạng thiếu sắt tiếp tục kéo dài gây ra bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Lúc này, triệu chứng mới bắt đầu nghiêm trọng.
Phụ nữ mang bầu cần hàm lượng sắt cao hơn.
Bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt sẽ có các triệu chứng phổ biến như; tim đập nhanh, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, lạnh chân tay, hụt hơi, tâm trạng ủ rũ, tinh thần mệt mỏi, mất tập trung, suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bị thiếu máu do thiếu sắt là móng tay dễ gãy, rụng tóc, nứt khóe miệng, viêm lưỡi, da tay, chân, khóe mắt nhợt nhạt, không có chút ánh hồng nào như da người khỏe mạnh.
Bác sĩ Tùng khuyến cao 5 nhóm đối tượng sau có nguy cơ thiếu sắt, cần đi khám dinh dưỡng, làm xét nghiệm vi chất, nhận chỉ định bổ sung sắt phù hợp từ bác sĩ.
Người bị thiếu máu: Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng xảy ra khi cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết để sản xuất tế bào hồng cầu. Khi tế bào hồng cầu bị thiếu hụt, các mô, tế bào khác sẽ không thể nhận đủ oxy để hoạt động.
Triệu chứng thường gặp của bệnh thiếu máu do thiếu sắt là: Mệt mỏi, đuối sức, thường xuyên chóng mặt, khó tập trung... Hầu hết trường hợp thiếu máu đều do thiếu sắt ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm: bị rong kinh hoặc chảy máu quá nhiều trong những ngày của kỳ kinh nguyệt đối với phụ nữ, tiền sử mắc bệnh viêm loét dạ dày, ung thư đường tiêu hóa, mất máu do chấn thương bên ngoài.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ không mang thai hoặc không còn cho con bú cần bổ sung từ 15-18 mg sắt mỗi ngày. Đối với phụ nữ mang thai, hàm lượng này sẽ cao hơn. Chị em phải dung nạp ít nhất 27 mg sắt mỗi ngày. Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị rằng, mẹ mang thai cần uống thêm loại thuốc bổ sung sắt để phòng ngừa tình trạng thiếu sắt.
Trong thành phần của những loại vitamin trước khi sinh có nhiều chất sắt. Do vậy, mẹ bầu nên chú ý tăng cường uống vitamin trước khi sinh trong giai đoạn mang bầu. Liều lượng sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng dư thừa sắt, vitamin gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Phụ nữ đang nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ: Từ lúc còn trong bụng mẹ, trẻ được thừa hưởng chất sắt từ cơ thể mẹ để phát triển. Khi ra đời, nếu bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cũng nhận chất sắt có trong sữa mẹ. Nếu cơ thể mẹ không có đủ sắt để truyền cho con thông qua sữa, trẻ dễ bị thiếu hụt dưỡng chất này.
Mẹ nên bổ sung sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu cần thiết, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về việc uống thuốc bổ sung dưỡng chất.
Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt: Những ngày trong kỳ kinh nguyệt khiến cơ thể thất thoát nhiều máu, chất sắt. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc hoặc viên uống bổ sung sắt cho phụ nữ hàng ngày, kể cả trong những ngày hành kinh. Liều lượng sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm.
Người đang điều trị một số bệnh lý khác: Trong cả 2 trường hợp khi cơ thể hấp thu kém chất sắt hoặc khi cần nhiều sắt hơn để chống chọi với các bệnh lý (như rối loạn hấp thu sắt, ung thư, nhiễm trùng,...) cũng cần bổ sung sắt cho cơ thể nhiều hơn người bình thường để hỗ trợ cơ thể tối đa. Khi điều trị bệnh lý, có một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất sắt bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc điều trị chứng ợ nóng, thuốc ức chế men chuyển dành cho người bị cao huyết áp, thuốc điều trị cao cholesterol...
Ngoài ra, những người mắc bệnh thận hoặc đang chạy thận nhân tạo cũng có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao. Điều này do thận có vai trò tạo ra hormone erythropoietin. Loại hormone tham gia vào quá trình sản sinh tế bào hồng cầu trong máu. Vì vậy, nếu thận không làm đủ chức năng, cơ thể sẽ bị thiếu hụt hồng cầu dẫn đến tình trạng thiếu máu.