Các thành phần tế bào của hệ thống miễn dịch

2021-06-28 15:38:03

Hệ miễn dịch có vai trò như lá chắn tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ ngoài môi trường cũng như tạo kháng thể giúp chống lại những bệnh cũ tái phát. Thành phần tế bào của hệ thống miễn dịch bao gồm tế bào trình diện kháng nguyên, lympho bào, tế bào mast, tế bào diệt tự nhiên, bạch cầu đa nhân...

1. Hệ thống miễn dịch là gì?

 Hệ thống miễn dịch có tên tiếng anh là Immune System, đây là hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, nấm và độc tố.

Hệ miễn dịch được tạo nên bởi các cơ quan, mạng lưới tế bào, các loại protein và nằm rải rác trên toàn bộ cơ thể.

Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch là tạo ra các hàng rào bảo vệ ngăn chặn kháng nguyên và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Khi các tác nhân gây bệnh vượt qua được hàng rào bảo vệ, các tế bào bạch cầu và protein sẽ được sản sinh ra và tấn công trước khi chúng có cơ hội tấn công cơ thể. Và cuối cùng khi thất bại bởi các tác nhân gây bệnh mạnh mẽ, hệ thống miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động để kìm hãm đồng thời thích nghi, lưu trữ thông tin về mầm bệnh và chống lại nó. Việc lưu trữ thông tin sẽ giúp hệ miễn dịch nhanh chóng nhận ra mầm bệnh nếu có những đợt tấn công về sau này và có thể chiến đấu bảo vệ cơ thể nhanh chóng hơn.

Hệ miễn dịch gồm hai hệ thống hoạt động phối hợp cùng nhau với mục đích chung là bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh: Đây là hệ miễn dịch tự nhiên có sẵn trong cơ thể được di truyền từ đời này sang đời khác. Hệ thống bao gồm các cơ quan như da, giác mạc, màng nhầy trong hệ hô hấp, đường tiêu hóa, đường sinh dục... tóm lại là những hàng rào vật lý giúp bảo vệ con người khỏi những tác nhân gây bệnh. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt ngay từ khi chào đời.

Hệ thống miễn dịch thích ứng: Đây là hệ thống miễn dịch bao gồm các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh ma cơ thể đã từng một lần tiếp xúc trước đó. Tức là hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ lại kẻ thù và sản sinh các kháng thể tiêu diệt chúng ngay từ lúc xâm nhập ban đầu.

Vai trò của hệ miễn dịch
Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài

2. Các thành phần tế bào của hệ thống miễn dịch

2.1 Tế bào trình diện kháng nguyên

Các tế bào trình diện kháng nguyên chính bao gồm:

Tế bào B: Phân bố ở cơ quan lympho và máu ngoại biên, chúng có khả năng hấp thụ kháng nguyên hòa tan hoặc sản phẩm kháng nguyên được đại thực bào và tế bào đuôi gai trao đổi và tiến hành xử lý thành nhiều mảnh nhỏ hơn rồi lắp ghép với phân tử MHC lớp II để trình diện lên bề mặt tế bào.

Đại thực bào: Phân bố ở cơ quan lympho, mô liên kết và các khoang trong cơ thể, có chức năng tiêu diệt trực tiếp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, kích thích tế bào miễn dịch...

Tế bào đuôi gai: Phân bố rộng khắp cơ thể, có khả năng trình diện kháng nguyên mạnh nhất, xử lý các kháng nguyên và trình diện với tế bào T

Tế bào trình diện kháng nguyên có vai trò quan trọng trong miễn dịch, chúng tham gia cả hệ thống miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch đáp ứng, kích hoạt tế bào T và thực hiện các chức năng khác tùy theo tín hiệu từ cơ thể.

2.2 Lympho bào

Lympho bào bao gồm hai loại chính là tế bào B trong tủy xương và tế bào T trong tuyến ức, hai loại này mặc dù có hình thái giống nhau nhưng chức năng miễn dịch khác nhau.

Tế bào B: Cùng với hệ miễn dịch tạo ra một kháng thể protein tương ứng với một kháng nguyên để đánh dấu và phá hủy chúng. Phản ứng của tế bào B gồm hai giai đoạn là đáp ứng miễn dịch cơ bản và đáp ứng miễn dịch thứ phát.

Tế bào T: Với chức năng kích hoạt các tế bào trong hệ miễn dịch và kiểm soát phản ứng miễn dịch với các chất lạ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Tế bào T bao gồm tế bào T hỗ trợ, điều hòa, gây độc và diệt tự nhiên.

tế bào lympho
Lympho bào là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch

2.3 Tế bào mast

Tế bào mast chứa tryptase và chondroitin sulfate, khi giải phóng các chất trung gian tế bào mast sẽ tạo ra các phản ứng viêm cấp tính bảo vệ

2.4 Tế bào diệt tự nhiên

 Tế bào diệt tự nhiên chiếm từ 5-15% các tế bào đơn nhân máu ngoại biên, gây ra chết theo chu trình đối với các tế bào nhiễm trùng. Các tế bào tiêu diệt tự nhiên có chức năng giám sát khối u và tìm đến các tế bào ung thư để tiêu diệt, có vai trò trong điều hòa miễn dịch...

2.5 Bạch cầu đa nhân

Bạch cầu đa nhân hay còn được gọi là bạch cầu hạt bao gồm:

  • Bạch cầu đa nhân trung tính: Chiếm từ 40-70% tổng lượng bạch cầu trong tuần hoàn, có vai trò quan trọng trong tuyến đầu chống nhiễm trùng, thời gian bán hủy từ 2-3 ngày.
  • Bạch cầu ưa acid: Chiếm 5% tổng lượng bạch cầu, có tác dụng tiêu diệt các sinh vật lớn bằng cách giải phóng chất độc hại
  • Bạch cầu ưa base: Số lượng nhỏ hơn 5% tổng lượng bạch cầu

 

Bài viết liên quan