Đau là một triệu chứng hay là một bệnh?

2024-05-06 06:31:44

Từ vị trí bị tổn thương, tín hiệu đau được dẫn truyền dọc theo sợi thần kinh đến tận bộ não nơi mà cơ thể ta có thể nhận thấy đau tại một vùng nhận thức cảm giác đau. Tín hiệu đau được chuyển đổi suốt chặng đường mà nó đi qua bởi các hệ thống khác nhau và độ mạnh của tín hiệu đau có thể bị tăng lên hay giảm đi.

1. Đau là một triệu chứng

1.1 Cơ thể nhận biết đau như thế nào?

Một tổn thương tại chỗ, ví dụ như bị bỏng ở bàn tay, làm kích thích những đơn vị tiếp nhận cảm giác đau. Bắt đầu là phần tận cùng của những sợi thần kinh cảm giác nhạy cảm với tín hiệu đau có thể tìm thấy trong tất cả các loại mô: da, cơ và các cơ quan nội tạng. Từ vị trí tổn thương tại chỗ, tín hiệu đau sẽ được dẫn truyền qua các hệ thống dẫn truyền ngoại vi để đưa thông tin cảm giác đau đến bộ não. Hệ thống này bao gồm những sợi thần kinh với kích thước khác nhau và có khả năng truyền tải những dạng tín hiệu khác nhau với vận tốc khác nhau:

  • Sợi thần kinh có kích thước càng lớn thì truyền tải thông tin càng nhanh, thường là loại thông tin về sự hiện diện của đau tại chỗ.
  • Sợi thần kinh càng thanh mảnh thì tốc độ dẫn truyền càng chậm, thường là loại thông tin liên quan đến cảm giác đau lan tỏa

Những tín hiệu đau sẽ được dẫn truyền từ ngoại vi đến tủy sống (nằm trong cột sống). Từ tủy sống, thông tin sẽ được truyền tới bộ não. Các cấu trúc khác nhau trong bộ não sẽ tham gia, phối hợp để giải mã vị trí cũng như tính chất của đau. Từ đó sẽ phát động những phản xạ khác nhau đáp lại thông tin về cảm giác đau mà nó nhận được: ví dụ như co tay lại để tránh nguồn gây bỏng. Đau là một phản xạ bảo vệ cơ thể.
Một số vùng bộ não thì chuyên về việc lưu giữ những cảm nhận và hình thành sự so sánh với những trải nghiệm trong quá khứ (hay gọi là quá trình học hỏi). Ví dụ như cảm nhận và so sánh về cảm giác đau khi bị bỏng bởi các tác nhân khác nhau: bỏng lửa, bỏng dầu hay bị bỏng do nước nóng. Một số vùng khác thì lại chuyên hơn về mặt cảm xúc về đau và hình thành cách ứng xử của cơ thể khi đối mặt với đau.

1.2 Cơ thể có thể tự bảo vệ để giảm đau

Chất giảm đau gây nghiện nội sinh: Đau là một dấu hiệu cảnh báo có lợi cho sự toàn vẹn về thể chất nhưng đau cũng là một cảm giác khó chịu đối với cơ thể. Vì thế, cơ thể cũng tìm cách để chống lại cảm giác khó chịu này. Từ năm 1975, người ta đã biết rằng cơ thể có thể bài tiết ra các chất chống đau. Đó là những Morphine nội sinh (endophine, endomorphine) có tác dụng ức chế cảm giác đau nhằm bảo vệ cơ thể trước những tổn thương gây đau. Đây cũng là nền tảng cho sự ra đời các loại thuốc giảm đau gây nghiện ngoại sinh hay còn gọi các chất giảm đau gây nghiện tổng hợp.

Đau
Khi bị đau, cơ thể có thể bài tiết ra các chất chống đau

2. Đau là một bệnh

2.1 Giả thuyết “cánh cổng”- Cơ chế dẫn truyền đau và điều hoà đau

Cổng kiểm soát là một khái niệm quan trong đánh giá và kiểm soát đau. Tín hiệu đau được truyền tải suốt chặng đường nhờ có hệ thống điều phối: Tại tủy sống, có một hệ thống lọc rất quan trọng, còn được gọi là “cánh cổng”. Nó được miêu tả dưới tên “giả thuyết cổng kiểm soát” do ông Patrick Wall và Ronald Melzack vào năm 1965.
Tín hiệu đau truyền tải qua cánh cổng này. Tùy theo cổng được mở rộng ít hay nhiều mà dung lượng thông tin có thể bị tăng lên hoặc được giảm đi, thậm chí là bị ngắt đứt một cách hoàn toàn. Cánh cổng càng mở rộng thì tín hiệu đau được nhận biết càng nhiều, càng mạnh. Cánh cửa đóng hoàn toàn thì sẽ không còn nhận thấy cảm giác đau nữa.

Giả thuyết này cho phép hiểu những ảnh hưởng của một số đáp ứng nhất định đối với cảm giác đau. Ví dụ như cho nước lạnh trên vùng bị bỏng, nó có thể giảm đau một cách hiệu quả do nó kích hoạt việc đóng cổng, làm giảm thông tin đau đi đến bộ não, kết quả là cảm thấy ít đau hơn. Việc cơ thể tự tiết ra chất giảm đau gây nghiện nội sinh để chống lại cảm giác đau cũng theo cơ chế tác động trên sự đóng cánh cổng này.

Giả thuyết cánh cổng rất quan trọng trong điều trị đau. Để giảm đau, chúng ta có thể tác động trên cánh cổng để cho cánh cửa được đóng lại một phần hoặc hoàn toàn. Giả thuyết này cũng cho phép lý giải cảm giác đau xuất hiện khi có sự mất cân bằng giữa hệ thống kích thích đau (cánh cổng rất dễ bị mở, hoặc bị mở một cách quá mức) và hệ thống ức chế đau (suy yếu hệ thống kích hoạt đóng cổng).

Vì vậy có thể nói rằng một phần công việc của bác sĩ điều trị đau là tìm cách “đóng cổng”, tìm hiểu sự bất thường khi “mở cổng” và khi “đóng cổng” để giúp bệnh nhân nhanh chóng vẫy chào tạm biệt với đau.

Đau mạn tính ảnh hưởng đến 20% dân số trên thế giới. Đau mạn tính gây trầm cảm, lo âu, suy giảm các hoạt động sống, tăng sự chịu đựng; khổ sở đồng thời làm tăng gánh kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì vậy, tháng 5 năm 2019, phân loại quốc tế về bệnh tật (International Classification of Diseases) đã đưa ra một phiên bản phân loại mới là ICD-11, trong đó đau mạn tính được coi là một vấn đề sức khoẻ, là một bệnh. Đau kéo dài hơn 3 tháng được gọi là bệnh đau mạn tính. Người bệnh bị đau mạn tính có quyền được điều trị đau. Người bị đau mạn tính cần được tiếp cận với điều trị chăm sóc ban đầu như các loại bệnh tật khác.

Đau
Người bị đau mạn tính cần được tiếp cận với điều trị chăm sóc ban đầu như các loại bệnh tật khác

 

Bài viết liên quan