Vì sao hơi thở nặng mùi khi bạn già?

2023-08-04 12:47:50

Người lớn tuổi vệ sinh răng miệng kém, tác dụng phụ thuốc, mất nước, giảm tiết nước bọt dễ hôi miệng.

Hơi thở nặng mùi (hôi miệng) thường gặp hơn ở người lớn tuổi, có thể do một số nguyên nhân dưới đây.

Vệ sinh răng miệng kém đi

Hôi miệng không phải do lão hóa trực tiếp gây ra. Vệ sinh răng miệng kém ở người lớn tuổi có thể là nguyên nhân. Không đánh răng sạch sẽ có thể tăng tích tụ mảng bám, mảnh vụn và vi khuẩn, dẫn đến hôi miệng.

Người già cũng có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe, khiến hơi thở có mùi. Chẳng hạn bệnh viêm khớp phổ biến ở người trên 65 tuổi, với triệu chứng đau cơ hàm, đau khớp cổ tay. Bệnh Alzheimer hoặc Parkinson ảnh hưởng chức năng não, làm cho người cao tuổi khó đánh răng hơn.

Người đeo răng giả hoặc thiết bị nha khoa hỗ trợ khác nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bởi chúng có thể tích tụ thức ăn thừa, mảng bám, gây hôi miệng.

Nên đánh răng trong hai phút, hai lần một ngày và làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa sau mỗi lần ăn uống. Nếu không thể tự làm, nên nhờ người thân giúp đỡ.

Giảm tiết nước bọt

Tuổi tác làm giảm sản xuất nước bọt, khiến miệng dễ khô hơn. Nước bọt là chất khử mùi miệng tự nhiên, ngăn thức ăn dính vào nhiều bề mặt trong miệng. Khô miệng làm cho mảnh vụn thức ăn bám vào khu vực này, tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí, sản xuất lưu huỳnh phát triển mạnh.


Không uống đủ nước, vệ sinh răng miệng kém có thể là nguyên nhân gây hôi miệng ở người già. Ảnh: Freepik

Uống đủ nước giúp tăng tiết nước bọt, giảm hôi miệng. 

Tác dụng phụ của thuốc

Khô miệng có thể do tác dụng phụ của thuốc, làm thay đổi trong chức năng của tuyến nước bọt. Thuốc điều trị trầm cảm, huyết áp cao, thông mũi, giãn cơ và thuốc giảm đau thường gây khô miệng.

Mất nước

Mất nước có thể xảy ra nhanh hơn khi già, nhất là khi trời oi bức, tập thể dục. Người già cần chú ý bổ sung đủ lượng chất lỏng khi ra nhiều mồ hôi. Uống đủ nước là cách đơn giản, giảm hôi miệng do khô miệng.

Người đã làm sạch răng thường xuyên nhưng hơi thở vẫn còn mùi thì nên khám sớm. Bệnh dạ dày, nhiễm trùng xoang cũng có thể gây hôi miệng, cần xử lý sớm.

Bài viết liên quan