2024-05-06 06:17:53
TRUNG QUỐC - Nhuộm tóc, ăn trứng luộc quá chín, thức khuya gây khối u ác tính, hoặc ung thư không thể chữa là những hiểu lầm thường gặp về căn bệnh phổ biến này.
Nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm "Tuần lễ chống ung thư quốc gia" từ ngày 15 đến 21/4, tờ China Daily đã đăng những câu trả lời từ chuyên gia giải đáp các quan niệm sai lầm liên quan đến ung thư.
Có thực phẩm chức năng chống ung thư?
Sự thật: Chuyên gia cho rằng không có sản phẩm nào được khoa học chứng minh là "thuốc đặc trị" phòng ngừa ung thư. Một số sản phẩm có thể có lợi sức khỏe hoặc hỗ trợ quản lý dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, song chúng không thể thay thế các phương pháp điều trị ung thư chuẩn như phẫu thuật, hóa, xạ trị hay liệu pháp miễn dịch. Người bệnh và gia đình nên tuân theo lời khuyên của bác sĩ thay vì mù quáng tin theo quảng cáo sản phẩm sức khỏe.
Thức khuya gây ung thư gan
Sự thật: Không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thức khuya sẽ gây ung thư gan. Những yếu tố nguy cơ phổ biến của ung thư gan gồm nhiễm virus viêm gan, xơ gan, nghiện rượu, đột biến gene, bệnh chuyển hóa di truyền, hút thuốc, béo phì... và nguyên nhân chưa được tìm hiểu đầy đủ.
Thức khuya không trực tiếp gây ung thư gan, nhưng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và chức năng gan. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhưng không có nghĩa thức khuya chắc chắn sẽ gây ung thư. Mọi người nên phát triển thói quen sống lành mạnh và những ai mắc bệnh gan nên chủ động điều trị.
Tăng cường dinh dưỡng làm khối u phát triển nhanh hơn
Sự thật: Không có cơ sở khoa học nào chứng minh bệnh nhân ung thư cần hạn chế lượng dinh dưỡng tiêu thụ. Ngược lại, bổ sung dinh dưỡng hợp lý rất có lợi cho bệnh nhân ung thư - những người hay gặp các vấn đề như mất cảm giác thèm ăn, gầy yếu do tổn thương trong quá trình điều trị chống u.
Dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể, giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư, góp phần ức chế sự phát triển của khối u. Người bệnh ung thư được khuyến nghị tăng cường tiêu thụ protein chất lượng cao và acid béo không bão hòa một cách phù hợp, ăn nhiều trái cây và rau củ tươi.
Sinh thiết khiến khối u ác tính di căn
Sự thật: Sinh thiết bằng kim là bước quan trọng giúp bác sĩ đánh giá bản chất của khối u. Điều này cần thiết cho việc quyết định phương pháp điều trị và là nền tảng chẩn đoán cần thiết trước khi hóa trị, xạ trị. Quy trình chọc hút ngày nay không gây nguy cơ di căn u vì kim chọc được thiết kế tương tự như bút bi. Chúng lấy mô u bằng phần nạp mực của bút, rút lại vào thân bút và ra khỏi cơ thể cùng một lúc, ngăn chặn hiệu quả sự rò rỉ của tế bào ác tính. Ngay cả khi một số ít tế bào u được lấy ra qua kim chọc, chúng sẽ bị hệ thống miễn dịch tiêu diệt bất cứ lúc nào, từ đó ngăn chặn di căn u.
Uống cà phê gây ung thư bởi acrylamide được phát hiện trong 59 loại cà phê
Sự thật: Cà phê chứa acrylamide nhưng việc tiêu thụ cà phê với lượng bình thường không làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư. Acrylamide được hình thành trong quá trình rang pha cà phê và cũng được sản xuất trong thực phẩm ở nhiệt độ nấu trên 120 độ C. Do đó, acrylamide có thể được tìm thấy trong các thực phẩm khác như khoai tây chiên và bánh mì. Để tăng cường sức khỏe và tuổi thọ, nên giảm tiêu thụ thực phẩm chiên/nướng. Thay vào đó, nên chọn các phương pháp chế biến thực phẩm như hấp, hầm hoặc luộc.
Ăn trứng luộc quá chín với lớp "xám" gây ung thư
Sự thật: Sự hình thành lớp "xám" trên trứng chỉ là một quá trình hóa học trong quá trình nấu. Nó không độc hại và sẽ không gây ung thư. Trong quá trình nấu nướng lâu dài, các acid amin trong protein sẽ bị phân hủy để tạo sulfide (hợp chất chứa lưu huỳnh), trong khi lòng đỏ trứng giàu sắt. Sự tương tác giữa sulfide và nguyên tố sắt, ferrous sulfide (hợp chất của sắt và lưu huỳnh) được hình thành, làm cho lòng đỏ màu vàng ban đầu chuyển thành màu xám xanh hoặc thậm chí là xanh đen.
Nhuộm tóc sẽ gây ung thư
Sự thật: Thuốc nhuộm tóc chứa p-phenylenediamine - chất hóa học có thể gây nguy cơ ung thư nhất định khi tiếp xúc thường xuyên và quá mức. Không có bằng chứng cho thấy sử dụng thuốc nhuộm tóc đạt chuẩn và nhuộm tóc vừa phải làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các thành phần khác trong thuốc nhuộm tóc như hydrogen peroxide, màu nhuộm, chất kết hợp và một số thành phần thảo mộc, có thể kích thích da đầu và gây dị ứng.
Nhuộm tóc thường xuyên cũng có hại cho tóc. Mọi người nên mua thuốc nhuộm tóc của thương hiệu uy tín và làm xét nghiệm dị ứng trước khi nhuộm tóc. Khoảng thời gian nhuộm tóc tốt nhất nên được kiểm soát khoảng 4 tháng.
Ung thư không chữa được
Sự thật: Với sự tiến bộ liên tục của công nghệ y tế, hiệu quả điều trị của nhiều loại ung thư đã được cải thiện đáng kể. Thậm chí, một số loại ung thư có thể được chữa khỏi hoàn toàn hoặc kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm. Với việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, triệu chứng của một số loại ung thư có thể được giảm nhẹ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể được cải thiện. Người mắc bệnh ung thư nên xây dựng niềm tin và đón nhận cuộc sống tốt đẹp hơn với sự giúp đỡ của điều trị y tế hiện đại.
Các bệnh ung thư hệ tiết niệu luôn có triệu chứng rõ ràng
Sự thật: Ung thư ở các bộ phận khác nhau của hệ tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới) và các mô khác, có thể xuất hiện đa dạng triệu chứng không rõ ràng. Triệu chứng có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư.
Ví dụ, ung thư thận có thể không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, tiểu máu không đau là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang. Một số bệnh nhân có thể bỏ qua việc tìm kiếm điều trị kịp thời vì họ nhầm lẫn triệu chứng của bản thân với viêm hệ tiết niệu thông thường. Ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hơn một nửa số bệnh nhân có triệu chứng đã ở giai đoạn di căn muộn hoặc thậm chí giai đoạn muộn, làm cho việc phát hiện và chẩn đoán kịp thời các loại ung thư này trở nên khó khăn.
Bệnh nhân mang virus viêm gan B chắc chắn mắc ung thư gan
Sự thật: Với bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B, triệu chứng của họ có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm gan B cấp tính thường là kết quả của lần nhiễm virus đầu tiên. Đa số có thể được chữa khỏi, nhưng một số ít có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Đối với bệnh nhân mang virus viêm gan B và không có thay đổi gan đáng kể, nguy cơ phát triển thành ung thư gan tương đối thấp.
Trường hợp viêm gan B mạn tính chưa tiến triển thành xơ gan, khả năng phát triển thành ung thư cũng thấp. Tuy nhiên, nếu tiến triển thành xơ gan, nguy cơ phát triển thành ung thư gan tăng đáng kể. Do đó, mặc dù không phải tất cả người mang virus viêm gan B sẽ phát triển thành ung thư gan, nhưng nhóm người này vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và nên chú ý đặc biệt trong các cuộc kiểm tra sức khỏe.