Ý nghĩa xét nghiệm nội tiết tố nữ, nội tiết tố estrogen

2022-10-25 10:25:08

Rối loạn nội tiết tố có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người bệnh. Do đó, việc thực hiện các xét nghiệm nội tiết tố nên được tiến hành định kỳ để được theo dõi thường xuyên.

1. Xét nghiệm nội tiết tố nữ là gì?

 Xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm nhiều xét nghiệm nhỏ khác nhau, với mục đích theo dõi và đánh giá sức khỏe sinh sản, khả năng mang thai cũng như đời sống tình dục ở người phụ nữ, cụ thể như chức năng hoạt động và khả năng dự trữ noãn của buồng trứng.

Xét nghiệm nội tiết tố nữ giúp phát hiện sớm những rối loạn, bất thường trong hệ nội tiết, từ đó nhanh chóng có phương hướng điều trị kịp thời. Phụ nữ được khuyến cáo nên làm xét nghiệm nội tiết tố theo định kỳ, ít nhất 2 lần/năm.

2. Khi nào nên làm xét nghiệm nội tiết tố nữ?

Bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm nội tiết tố để đánh giá sức khỏe sinh sản của mình. Tuy nhiên, một số trường hợp được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm nội tiết tố nữ như:

  • Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, kinh ra không đều (hoặc rất ít, hoặc rất nhiều) và kỳ kinh kéo dài ngắn không ổn định.
  • Các trường hợp vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt) hoặc vô kinh thứ phát (đã từng có kinh nguyệt nhưng tự dưng biến mất).
  • Phụ nữ có âm đạo chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân.
  • Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh  đa nang buồng trứng.
  • Người gặp khó khăn trong quá trình thụ thai.
  • Người có mong muốn hoặc chuẩn bị tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm
rối loạn kinh nguyệt
Phụ nữ gặp vấn đề về kinh nguyệt nên xét nghiệm để kiểm tra


3. Ý nghĩa xét nghiệm nội tiết tố nữ

Xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm 7 xét nghiệm nhỏ, cụ thể: xét nghiệm chỉ số Estrogen, Testosterone, Prolactin, FSH, LH, AMH, Progesterone.

3.1 Xét nghiệm nội tiết tố Estrogen

Nội tiết tố Estrogen là một trong những hormone sinh dục quan trọng nhất trong cơ thể người phụ nữ. Estrogen được tạo ra tại buồng trứng và được chia thành 3 dạng chính:

  • E1 – Estrone
  • E2 – Estradiol: là dạng phổ biến nhất của estrogen. Hầu hết chỉ số Estrogen trong các xét nghiệm nội tiết tố nữ là chỉ số E2. Nồng độ E2 quá cao có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc, đau đầu, chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, thậm chí gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • E3 – Estriol: thường được kiểm tra ở các thai phụ. Chỉ số E3 có thể phản ánh được những bất thường liên quan đến sức khỏe thai nhi.

Ngưỡng bình thường của nội tiết tố Estrogen là từ 70 – 220 pmol/L. Xét nghiệm nội tiết tố Estrogen nên được thực hiện vào ngày thứ 2 – 4 của chu kỳ kinh nguyệt.

3.2 Xét nghiệm chỉ số Testosterone

Hầu hết mọi người đều biết đến Testosterone với vai trò là một loại hormone nam giới. Tuy nhiên, trong cơ thể người phụ nữ cũng có một lượng Testosterone nhất định.

Nồng độ Testosterone ở ngưỡng bình thường là từ 15 – 70 mg/dL. Xét nghiệm chỉ số Testosterone có thể được tiến hành bất cứ lúc nào và không gây ảnh hưởng đến kết quả.

3.3 Xét nghiệm chỉ số Prolactin

Prolactin là một hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú. Nó có khả năng ngăn cản sự rụng trứng bằng cách ức chế hormone sinh sản. Do đó, nồng độ Prolactin cao ở phụ nữ đang cho con bú là hoàn toàn bình thường, như một phương pháp tránh thai tự nhiên. Tuy nhiên, nồng độ Prolactin vượt ngưỡng an toàn ở phụ nữ bình thường có thể gây vô sinh.

Nồng độ trung bình của Prolactin là từ 127 – 637 μU/mL.

3.4 Xét nghiệm chỉ số FSH

Với khả năng kích thích sự phát triển của noãn bào và quá trình tiết estrogen, chỉ số FSH quá cao có thể là dấu hiệu của việc dự trữ buồng trứng thấp và nguy cơ cao mắc hội chứng đa nang buồng trứng.

Ngưỡng bình thường của chỉ số FSH là từ 1,4 – 9,6 IU/L. Xét nghiệm chỉ số FSH nên được làm vào ngày thứ 2 – 4 của chu kỳ kinh nguyệt.

FSH
Xét nghiệm FSH giúp chẩn đoán nguy cơ buồng trứng đa nang


3.5 Xét nghiệm chỉ số LH

Hormone LH được tiết ra từ thùy trước tuyến yên với chức năng giúp kích thích quá trình sản xuất estradiol tại buồng trứng. Nồng độ LH quá cao đồng nghĩa với nguy cơ cao mắc bệnh buồng trứng đa nang.

Nồng độ LH trong khoảng từ 0,8 – 26 IU/L được coi là an toàn. Xét nghiệm chỉ số LH nên được tiến hành vào ngày 2 – 4 của kỳ kinh.

3.6 Xét nghiệm chỉ số AMH

Trong các chỉ số nội tiết tố nữ, AMH hiện nay là chỉ số có giá trị cao và chính xác nhất trong công tác chẩn đoán cũng như điều trị hiếm muộn. Nồng độ AMH đo được nếu quá thấp có nghĩa là khả năng đáp ứng kém với thuốc của người phụ nữ khi làm thụ tinh ống nghiệm. Ngược lại, nếu AMH quá cao cũng có thể dẫn đến chứng quá kích buồng trứng và gây vô sinh.

Nồng độ AMH thông thường dao động từ 2 – 6,8 ng/ml. Nồng độ này tương đối ổn định nên xét nghiệm chỉ số AMH có thể tiến hành bất kỳ lúc nào.

3.7 Xét nghiệm chỉ số Progesterone

Đối với những phụ nữ bình thường, sự tăng cao của nồng độ progesterone có thể gây ra cảm giác đau ngực, mệt mỏi, mọc nhiều mụn trứng cả, suy giảm ham muốn tình dục, trầm cảm,... Tuy nhiên, nồng độ cao Progesterone ở phụ nữ mang thai lại là điều cần thiết bởi nó giúp bảo vệ thai nhi.

Ngưỡng Progesterone ở người bình thường là trong khoảng từ 5 – 20 ng/mL. Xét nghiệm chỉ số Progesterone nên được thực hiện vào ngày thứ 21 – 22 của vòng kinh.

Khám rối loạn nội tiết tố ở đâu an toàn, nhanh chóng và chính xác là vấn đề khiến không ít chị em đau đầu. Trước vô vàn các bệnh viện, phòng khám tư nhân thì cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình cơ sở uy tín, có hệ thống trang thiết bị đồng bộ, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm.

 

Bài viết liên quan