Kết cục của đau thắt ngực nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời

2021-01-18 21:24:59

Đau thắt ngực là đau ngực do giảm lượng máu đến nuôi cơ tim hay tình trạng bị thiếu máu cục bộ cơ tim. Đây là một triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành. Cơn đau thắt ngực có thể gây cản trở đến việc thực hiện một số hoạt động bình thường. Đau thắt ngực nếu không được điều trị sẽ dẫn đến kết quả nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim, suy tim, thậm chí tử vong.
 

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số 1. Tuy nhiên, nếu các bệnh lý tim mạch được sàng lọc và phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn, đem lại chất lượng cuộc sống tốt và kéo dài tuổi thọ. Đau thắt ngực là triệu chứng báo hiệu khả năng cao người đó đã có bệnh mạch vành. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, đau thắt ngực hay bệnh mạch vành có thể tiến triển các bệnh lý như sau:

1. Nhồi máu cơ tim

Hầu hết các trường hợp có đau thắt ngực là do bệnh xơ vữa mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng cho quả tim). Theo thời gian, chất “mỡ” (cholesterol) tích tụ thành từng mảng, bám trên thành mạch vành.

Khi các mảng xơ vữa này bị nứt, vỡ ra, kích hoạt hình thành cục máu đông tại chỗ nứt vỡ. Cục máu đông sau đó có thể gây tắc nghẽn, chặn dòng máu cung cấp cho cơ tim, gây tổn thương một vùng cơ tim, gọi là nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, huyết áp và mức độ tắc nghẽn mạch máu. Các triệu chứng của một cơn đau thắt ngực gợi ý có nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Đau ngực dữ đội và liên tục, cơn đau thường ở giữa ngực trước xương ức và có thể cảm thấy giống như cảm giác bị đè nặng hay ép ngực.
  • Đau lan đến các bộ phận khác của cơ thể: người bệnh có thể cảm thấy cơn đau truyền từ ngực đến cánh tay (thường là cánh tay trái, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cả hai cánh tay), lên hàm, cổ, lan ra sau lưng và cả xuống bụng
  • Cảm giác hụt hơi, khó thở
  • Buồn nôn, nôn
  • Cảm giác lo lắng, kể cả hoảng loạn

Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu tim mạch nặng nề, một số trường hợp rất nặng còn gặp biến chứng cơ học như thủng thành cơ tim, hở van hai lá cấp do một vùng cột cơ tim giảm hoặc mất chức năng gây sa van, nhồi máu cơ tim... Các trường hợp trên nếu xảy ra thì tỷ lệ tử vong thường cao, thậm chí đột tử.

Nhồi máu cơ tim được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp thuốc để cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim, sử dụng các thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu và can thiệp mạch bằng cách nong, đặt stent mạch vành (can thiệp động mạch vành qua ống thông) hay phẫu thuật nối mạch bắc qua đoạn tắc nghẽn (bắc cầu nối động mạch chủ-vành).

Xét nghiệm CKMB trong nhồi máu cơ tim
Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, huyết áp và mức độ tắc nghẽn mạch máu.

2. Suy tim

Trong trường hợp vùng cơ tim bị nhồi máu cấp bị giảm chức năng co bóp thậm chí không vận động, gây  suy tim cấp sau nhồi máu cơ tim, đặc biệt nếu huyết áp tụt quá thấp sẽ dẫn đến “sốc tim”. Khi đó, các cơ quan khác đều không nhận đủ máu để hoạt động bình thường, cả cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ tử vong cao.

Nếu mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn không hoàn toàn nhưng tình trạng này kéo dài, các cơn đau thắt ngực lặp đi lặp lại khi gắng sức, cơ tim phải làm việc trong tình trạng thiếu máu cơ tim lâu ngày cũng sẽ dẫn tới suy tim mạn tính. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó thở, mệt và nếu không được điều trị, suy tim sẽ ngày càng nặng. Điều trị bệnh mạch vành muộn rất khó cải thiện được tình trạng suy tim.

3. Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể nhanh hoặc chậm so với tốc độ trung bình nhưng nặng nhất là rung thất rồi đến nhịp nhanh thất. Rối loạn nhịp tim cũng được coi là nặng với rung nhĩ và block nhĩ thất cấp 3 kéo dài, làm biến đổi huyết động, tụt huyết áp, suy tim. Rối loạn nhịp tim thường do vùng cơ tim bị thiếu máu bị tổn thương và kéo theo hệ thống dẫn truyền điện trong tim bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng rối loạn nhịp không được xử trí có thể dẫn đến kết quả suy tim, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim khi gây mê nội khí quản
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể nhanh hoặc chậm so với tốc độ trung bình.

4. Căng thẳng, lo lắng quá mức, trầm cảm

Sống chung với tình trạng như đau thắt ngực thường xuyên, lặp đi lặp lại, ngày qua ngày nhưng không được điều trị dứt điểm có thể gây ra cảm giác căng thẳng và lo lắng ở một số người, nhất là ở nhóm đối tượng cao tuổi. Hệ quả là có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm.

Các dấu hiệu gợi ý đến khả năng có những rối loạn tâm lý tiêu cực là khi người bệnh:

  • Hay cảm thấy thất vọng, chán nản hoặc tuyệt vọng
  • Không có hay ít hứng thú, ít niềm vui khi làm mọi thứ, kể cả điều trước đây thường rất thích
  • Mất ngủ
  • Lo âu
  • Dễ cáu gắt
  • Tự cách ly với xã hội

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất. Phương pháp điều trị chứng trầm cảm. bao gồm thuốc chống trầm cảm và liệu pháp nói chuyện được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức. Tuy nhiên, trong các trường hợp người bệnh có kèm cơn đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ, điều trị bệnh mạch vành mới là điều trị cốt lõi.

Tóm lại, đau thắt ngực là do tình trạng cơ tim bị thiếu máu cục bộ, đa phần do bệnh mạch vành. Tuy ban đầu có thể không đe dọa đến tính mạng, nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng người bệnh có thể có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, suy tim,... Do đó, cùng với việc điều trị và thay đổi lối sống lành mạnh, chứng đau thắt ngực có thể từng bước được kiểm soát và giảm thiểu kết cục nặng nề hơn về lâu dài.

- ThS.BS Nguyễn Văn Phong -

Bài viết liên quan