2021-08-16 11:41:28
Thời tiết nắng nóng làm cho mọi người có xu hướng tìm đến những món đồ ăn có tính mát, trong đó dùng bột sắn dây giải nhiệt, ngăn ngừa mụn nhọt, rôm sảy, làm mát da dẻ là lựa chọn phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng bột sắn dây đúng cách.
Trên thực tế, bột sắn dây có tính hàn, giải nhiệt mạnh nhưng nếu thường xuyên uống bột sắn dây cho quá nhiều đường thì chính lượng đường đó khiến bột sắn dây phản tác dụng, gây nhiệt miệng, nguy cơ béo phì, tiểu đường...
Ngoài sai lầm cho quá nhiều đường thì còn phải kể đến thói quen uống bột sắn sống. Nhiều người nghĩ như vậy sẽ tận dụng được tính mát của bột sắn dây. Tuy nhiên, bột sắn dây thường được chế biến thủ công nên quá trình lọc tinh bột có thể sẽ không lọc hết tạp chất, tinh bột sẽ bị nhiễm khuẩn. Để phòng nguy cơ đau bụng, tiêu chảy, tốt nhất nên pha bột sắn dây với nước sôi để làm chín bột sắn.
Có người lại cho rằng uống càng nhiều bột sắn dây thì càng có tác dụng giải nhiệt mùa nóng mà không biết đây là việc làm sai lầm. Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Thu Mai khuyên mọi người không mỗi người không uống quá 1 cốc nước sắn dây/ ngày và chỉ nên cho ít đường. Với phụ nữ có thai, nếu cơ thể bị nóng thì đây là thức uống giải nhiệt tốt. Tuy nhiên, nếu thai phụ mệt mỏi và bị động thai thì tuyệt đối không nên uống vì tính lạnh của sắn dây sẽ khiến cơ thể thêm mệt, tăng co bóp dạ con.
Có không ít người nghĩ chè bột sắn có thể ăn trừ cơm, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì không nên coi chè bột sắn là món ăn chính trong ngày hè bởi mặc dù có tính giải nhiệt tốt nhưng xét về mặt dinh dưỡng, bột sắn có năng lượng rất ít.
Đối với trẻ em, chỉ nên cho trẻ ăn bột sắn khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn lúc đói vì dễ gây hội chứng say sắn.